Muôn vẻ Hà thành

Quanh quanh hai tiếng Hòe Nhai

Quanh quanh hai tiếng Hòe Nhai

Rất nhiều người Hà thành thú nhận rằng mỗi khi nhắc đến hai tiếng Hòe Nhai, cái tên nghe cổ cổ, cũ cũ đầy huyền bí ấy, là trong họ lại dậy lên một “cảm giác khó tả”.

Quanh quanh hai tiếng Hòe Nhai ảnh 1

Cổng chùa Hòe Nhai.

Hoè Nhai trước kia vốn là nơi tụ tập sinh sống của các kỹ nữ, vì thế mới có tên gọi là Bình Khang. Dẫn theo “Hà thành kim tích khảo” của cụ Sở cuồng Lê Dư thì: “Ngõ Hòe Nhai gần sông Nhị, trên tiếp giáp Thạch Khối, dưới tiếp giáp Đồng Xuân, tuy ở chốn đô thị mà nhà cửa tịch mịch, đền chùa lặng lẽ giống như cả thôn đều ngủ.

Trước có một bà lão tên là Bá Ẩu, sành nghề ca hát, ở nơi này mà dạy nghề xướng ca, đêm ngày tiếng hát ngân nga không dứt. Sau bao lần dời đổi, cảnh phồn hoa còn lại một hai phần, nay hẳn là phố Hàng Than, thấy không còn dấu vết gì của xóm Bình Khang xưa nữa”. Vậy có nghĩa là chùa Hòe Nhai vốn xưa kia thuộc về cái tên địa danh Hòe Nhai, sau rồi dịch chuyển, dời đổi mới “lạc” sang Hàng Than.

Chùa Hòe Nhai có từ thời Lý. Thoạt kỳ thủy chùa rộng lớn lắm, sau rồi thu nhỏ dần, thu nhỏ dần và bây giờ là vậy, ẩn khuất, lặng lẽ. Trong chùa có nhiều tượng, nhưng có một bức tượng vào loại độc nhất vô nhị là tượng một ông vua nằm phục xuống để Phật ngồi lên lưng mình thuyết pháp. Cứ theo như bia dựng từ năm Chính Hòa 24, tức là năm 1703, hiện lưu giữ trong chùa, ghi thì vị trí của chùa nằm ở phường Hòe Nhai, tại Đông Bộ Đầu, tức là cái bến phía Đông.

Đúng vào tháng này, chính xác là ngày 29-1-1258, gần tám thế kỷ trước, ở khu vực gần Hòe Nhai này, vua quan, binh tướng nhà Trần đã đánh một trận quyết định, quét sạch sành sanh quân Nguyên ra khỏi Kinh Thành. Quanh quanh một cái tên hóa ra có thể tìm thấy khối điều thú vị và đây cũng chính là nguyên nhân gợi lên “cảm giác khó tả” mỗi khi nhắc tới hai tiếng Hoè Nhai. 

PHƯƠNG TÂN

Tin cùng chuyên mục