Quảng Trị: Nhiều tài xế nguy cơ mất trắng gần 700 triệu đồng do mua xe nhưng không được sở hữu

Ngày 7-7, nhiều tài xế xe điện chạy thử nghiệm tại một số tuyến phố ở phường Đồng Hới (tỉnh Quảng Trị) phản ảnh đã mua xe điện với giá cao gấp 6 lần giá thị trường nhưng các công ty không đưa hợp đồng mua bán, không được sở hữu tài sản.

Trước đây, tại Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) đã cho thí điểm xe điện có động cơ chở khách trên một số tuyến phố. Một số hộ dân có nhu cầu mua xe điện chạy dịch vụ thí điểm.

Khi tham gia, một số công ty bán xe điện đã không giao hợp đồng mua bán cho người mua, tự ý nâng khống giá xe điện gấp 6 lần so với giá thị trường, tiền buộc người mua chuyển vào tài khoản cá nhân của một vài quản lý, không chuyển vào tài khoản công ty, người mua không được đứng tên chủ sở hữu tài sản.

1000025801.jpg
Một gia đình chuyển cho Hoàng Quốc Khuê 477 triệu đồng sau khi đưa tiền mặt 150 triệu đồng để mua xe điện đắt hơn bình thường 6 lần

Ông Nguyễn Trần H. (phường Đồng Hới) cho biết: "Gia đình tôi tham gia mua xe điện cho con chạy thí điểm. Xe điện 8 chỗ, nhãn hiệu Trung Quốc, khảo giá thị trường năm 2024 là 125 triệu đồng. Ông Hoàng Quốc Khuê làm đầu mối cho Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam đóng tại Nhân Trạch, yêu cầu tôi đặt cọc trước 2 lần tổng 150 triệu đồng tiền mặt. Sau khi có xe, ông Khuê yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân của ông ta thêm 477 triệu đồng mới nhận được xe điện".

Điều đáng nói là gia đình ông H. khi nhận xe chỉ 6 chỗ ngồi và thân vỏ này là xe cũ, xe đã chạy nhiều năm trong Khu du lịch Star.

Theo hồ sơ do gia đình ông H. và các tài xế khác cung cấp, bất cứ ai mua xe điện đều phải đến đặt cọc tiền cho Hoàng Quốc Khuê và được Khuê hứa khi nhận là xe mới, đứng tên chính chủ. Toàn bộ tiền mua xe đều phải chuyển qua tài khoản cá nhân của Khuê.

Theo ông H., khi biết nhu cầu gia đình mua xe điện loại 8 chỗ, có nhân viên một số công ty đến chào giá xe trị giá 125 triệu đồng. Do gia đình ông H. và nhiều tài xế khác có nguyện vọng tham gia chương trình chạy thử nghiệm, nên ông Khuê thông báo mức giá công ty để được chạy là 677 triệu đồng.

"Vì muốn con có phương tiện chạy xe kiếm sống, tôi đành bấm bụng vay mượn để mua bằng được chiếc xe”, ông H. chia sẻ.

Tuy nhiên sau đó, các tài xế tá hỏa khi nhận xe đều là xe điện cũ đã qua sử dụng. Muốn chạy được phải mua pin mới 50 triệu đồng, thông qua Khuê.

1000025784.jpg
Người dân bỏ ra số tiền gần 700 triệu đồng mua xe điện, nhưng Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam lại đứng tên sở hữu

Tương tự, tài xế Trần Đ. cho biết: "Tôi nộp cho ông Khuê tổng cộng gần 700 triệu đồng, bao gồm tiền mặt 150 triệu đồng, hơn 470 triệu đồng chuyển khoản nhưng nhận lại xe điện cũ. Không có hợp đồng mua xe, không có hóa đơn của công ty. Tài sản là rất lớn. Nhưng ông Khuê lại đưa cho nhà tôi một bộ hồ sơ giả, do công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam đứng tên tài sản do chính chúng tôi bỏ tiền mua. Hồ sơ đó chỉ khai tài sản 144 triệu đồng trên một cái giấy nhập xe của đơn vị nào đó tận Hà Nội, nhưng xe chúng tôi nhận là xe cũ".

1000025773.jpg
Một hóa đơn của công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam khai chỉ 187 triệu đồng, trong khi người mua phải nộp qua tài khoản ông Khuê là hàng trăm triệu đồng

Ông H. cho biết thêm, xe của ông mua cho con, phải chủ xe là con đứng tên, vậy mà khi nhận xe thì giấy chứng nhận xe do công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình cũ) cấp năm 2024 số 73001736 ghi chủ xe là: "Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam".

"Vay mượn gần 700 triệu đồng mua xe thì giao xe cũ, lại không được sở hữu. Người ta ra tiệm mua cái xe máy, mấy chục triệu đồng cũng được đứng tên, còn chúng tôi bị ông Khuê lừa, đi hỏi thì bị chửi bới và yêu cầu cấm nói với bất cứ ai", ông H. chia sẻ.

1000025788.jpg
Các quy định mới hiện cấm xe điện chạy ra phố do không đảm bảo an toàn, không có đai bảo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ông Hoàng Ngọc Dũng, Trưởng phòng quản lý vận tải Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nắm bắt vấn đề này và đang tham mưu cấp có thẩm quyền điều tra làm rõ.

Theo báo cáo từ Phòng quản lý vận tải Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, xe điện chạy thử nghiệm có 100 chiếc.

Có 7 đơn vị được phép thực hiện thí điểm gồm Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Cát Vàng, số lượng 30 xe; Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Du lịch và Thương mại Đồng Thành, số lượng 20 xe; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành, số lượng 10 xe; Công ty cổ phần Du lịch Còng Gió, số lượng 7 xe; Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Phong Nha, số lượng 8 xe; Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ vận tải Minh Quân, số lượng 5 xe và Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam số lượng 20 xe.

z6781013576543_291281e09a82f03c4977b4418f28ae11.jpg

Theo tìm hiểu, toàn bộ 20 xe mua qua Hoàng Quốc Khuê đều đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam. Ông Khuê yêu cầu các "khổ chủ" nộp tiền qua tài khoản của mình để có xe mới, được đứng tên nhưng thực nhận là xe cũ. Khuê cũng làm mánh với các công ty khác với chiêu trò chuyển tiền qua tài khoản cá nhân mới nhận xe.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP qua điện thoại, ông Khuê cho biết, các tài xế mua xe không yêu cầu mới, cũ. Lý giải vì sao không để người mua xe chuyển tiền vào công ty để có hóa đơn hợp pháp thì ông Khuê cho rằng, đó là nhận tiền giùm cho các công ty. Còn việc bỏ số tiền lớn mà không được đứng tên chính chủ, lại đứng tên công ty lạ hoắc, ông nói có đưa cho các tài xế hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác với phản ảnh của các tài xế là không có hợp đồng nào như thế.

Khi phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Hải Luân, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam thì ông này từ chối cung cấp thông tin và trả lời ngắn gọn: “Tôi không cung cấp thông tin làm gì cả”.

Hiện các tài xế xe điện buộc dừng chạy thí điểm trên các tuyến phố Đồng Hới từ 1-7-2025. Khi hỏi về quyền chủ sở hữu tài sản xe điện, các tài xế cho biết không tìm ra chủ công ty, còn tìm ông Khuê thì được trả lời là đi hỏi các công ty đứng tên.

Tin cùng chuyên mục