Sau khi nước lũ rút, Sư đoàn 968 đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng huyện Cam Lộ cùng hỗ trợ người dân dọn dẹp cây cối dọc các tuyến đường, thu dọn bùn đất, lau dọn lại phòng học, nhà cửa khắc phục hậu quả sau lũ.
Ông Phạm Văn Dơn (60 tuổi, thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) cho biết: “Đợt lũ này là đợt lũ lớn nhất từ trước tới nay, do địa phương thuộc vùng trũng nên người dân đã có các giải pháp phòng chống, có gác lửng, tuy nhiên nước lũ dâng nhanh khiến việc di chuyển đồ đạc cùng vật nuôi gặp nhiều khó khăn, nhà bị ngập sâu từ 1,5 - 3m, có nơi phải leo lên mái nhà để lực lượng chức năng tới hỗ trợ di dời. Sáng nay nước bắt đầu rút dần nên gia đình đem đồ đạc bị ngập ra để lau dọn lại. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa dám đem xuống lau dọn, vì nghe thông tin mưa lớn tiếp tục kéo dài, hồ thủy lợi sắp xả lũ, nước sông Hiếu đang dâng”.
Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khiến 2 người chết và 6 người mất tích, lực lượng chức năng tỉnh đã triển khai sơ tán 4.547 hộ dân với 15.535 người đến các khu vực an toàn.
Đến nay, mặc dù lũ tại các khu vực dân cư đã rút tuy nhiên ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là. Hiện lũ trên các con sông đang ở mức cao và tiếp tục lên lại, ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu (đo tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử 1983. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vinh Linh, Gio Linh, Hải Lăng. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng vẫn còn diễn ra ở vùng đồng bằng các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thảnh phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nhận định tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ở các sông vẫn tiếp tục dâng cao, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng lượng chức năng, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động nắm tình hình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của các cấp các ngành để ứng phó kịp thời. Riêng các địa bàn xung yếu như Hướng Hóa, Đakrông, cần triển khai ngay phương án ứng phó với mưa lũ theo kịch bản của trận lũ nghiêm trọng. Cần tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực sạt lở ven sông ven suối, vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Cùng phải đảm bảo thuốc men để phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khoẻ cũng như chia sẻ những mất mát với gia đình có người tử vong, mất tích. Sau mưa lũ phải đảm bảo ổn định đời sống của người dân”.