Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) do nắng nóng kéo dài, không có mưa nên lượng nước từ các hồ đập thủy lợi xuống mức thấp gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Toàn huyện hiện có hơn 3.700ha lúa vụ hè thu trong đó gần 500ha trong vài ngày tới sẽ rơi vào nguy cơ hạn nặng.
Bà Nguyễn Thị Túy (56 tuổi, trú thôn Nhĩ Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết: “Hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng ra thăm ruộng chỉ mong có nước về hay tranh thủ bòn chút nước còn lại ở các mương dẫn để cho ruộng lúa. Cả thảy gia đình có hơn 9 sào ruộng nhưng do năm nay hạn kéo dài nên chỉ xuống giống gieo cấy được hơn 4 sào. Giờ cũng chỉ còn lại hơn 2 sào ruộng của gia đình ở khu vực thấp trũng có nước là có hi vọng. Còn lại thì ruộng nứt nẻ, lúa chết khô hết. Quanh năm chỉ nhờ ruộng lúa nên mong muốn vớt vát được ruộng nào hay ruộng đó để chi trả tiền đầu tư mua phân đạm, giống, thuốc,…
Ông Ngô Văn Đàn (56 tuổi, trú xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) cho biết: “Cánh đồng của người dân trên địa bàn xã đa phần bị khô hạn, lúa cháy vàng vì thiếu nước. Riêng 2 mẫu ruộng của gia đình giờ chỉ còn lại khoảng hơn 2 sào có nước còn lại bị cháy vàng hết vì nắng hạn, mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp giúp đỡ người dân để cứu lúa”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam xuất hiện sớm và có cường độ mạnh nên đã gây hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là khoảng 1.484ha lúa. Trong đó, huyện Vĩnh Linh 541ha lúa (tập trung ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa), huyện Gio Linh 847,1ha lúa (tập trung ở xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Phong, Trung Sơn), huyện Cam Lộ 75ha lúa (tập trung ở Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Chính).
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa giai đoạn làm đồng, đẻ nhánh và vào cuối vụ, hạn chế thấp nhất diện tích bị khô cháy, mất trắng, Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc phối hợp với công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương liên quan triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp chống hạn. Tập trung phối hợp điều tiết, sử dụng nguồn nước luân phiên có hiệu quả, hài hòa giữa các đơn vị dùng nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước gây ra.