Từ xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh, cho họ những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng được đủ đầy.
Người dân địa phương cho biết, lúa sau khi tuốt từ nương rẫy đem về nhà sẽ được để ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, lúa sẽ được bà con đem phơi khô, sảy, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất đem cất vào kho. Sau khi lúa đã được phơi khô, làm sạch, sẽ được cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo, nhưng cũng không kém phần mạnh khỏe, rắn chắc, những người phụ nữ Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những mẹt gạo trắng trẻo, thơm nồng.
Trong lễ mừng lúa mới, người Vân Kiều chuẩn bị lễ vật rất chu đáo. Những người phụ nữ Vân Kiều cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng trên nương để chuẩn bị phục vụ lễ cúng mừng lúa mới. Còn những người đàn ông thì cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm những thành quả mà thiên nhiên ban tặng như cá, mật ong rừng,…
Khi lễ vật đã được bày biện xong, cũng là lúc chủ họ, người lớn tuổi, có uy tín trong dòng họ thực hiện nghi lễ cúng bái. Theo nghi lễ truyền thống để khấn vái tổ tiên và mời các vị thần linh như: thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây cối về dự lễ để báo cáo sau khi kết thúc vụ mùa, đồng thời tạ ơn thần linh đã cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa.
Cùng với các lễ vật dâng cúng bao gồm heo, gà, cua, cá, sóc, các loại nông sản... thì phần dâng cúng không thể thiếu đó là khăn, áo, váy, và một số trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Với quan niệm thần lúa là nữ giới, nên trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều dâng kèm các trang phục của nữ giới.