Ngày 12-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa có công điện về triển khai công tác ứng phó với bão số 8 và mưa lũ trên địa bàn.
Theo công điện của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị, đêm 11-10, bão Kompasu đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021 với cấp bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bão số 8 đang di chuyển rất nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến sáng ngày 14-10, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Cảng Cửa Việt Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 8, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 12 đến ngày 14-10, khu vực Quảng Trị có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên các sông trong tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ từ báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2, nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng thấp trũng; ngập cục bộ tại các khu đô thị.
Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 8 và diễn biến mưa lũ phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ 12 giờ ngày 12-10 cho đến khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc.
Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn. Hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú, tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 12 giờ ngày 13-10.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ, chỉ đạo người dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
NGUYỄN HOÀNG