Chiều 24-5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Báo cáo kết quả triển khai và công bố chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy: nhóm đạt chỉ số PARINDEX trên 80% gồm 14 bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Ngoại giao, Khoa học Công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên Môi trường, Lao động Thương binh Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch Đầu tư. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu về chỉ số PARINDEX. Nhóm thứ 2 đạt kết quả chỉ số PARINDEX từ trên 70%-80% gồm 4 bộ: Xây dựng, Thông tin Truyền thông, Y tế, Giao thông Vận tải.
Đối với các địa phương Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với PARINDEX đạt 89,06% cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng thứ hai là TP Hà Nội 83,98%. Tỉnh Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể về PARINDEX đạt 83,71% để dành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, còn Phú Yên là tỉnh có chỉ số PARINDEX thấp nhất đạt 69,53%. Trong số đó, Quảng Ninh hiện đã giảm tới 50% thời gian giải quyết TTHC.
Theo báo cáo kết quả chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 (Chỉ số SIPAS 2018), tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%. Một nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng nằm trong khoảng 81,92%-97,88%, một nửa số tỉnh còn lại có Chỉ số nằm trong khoảng 69,98%-81,92%. Có thể thấy, một nửa số tỉnh, thành trong cả nước cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu của CCHC là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020. Bên cạnh đó, 5 yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2018 gồm: tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 80,62%; 86,40%; 85,10%; 88,13% và 74,07%.
Chỉ số SIPAS 2018 tiến hành so sánh giữa 8 lĩnh vực dịch vụ và 3 cấp hành chính ở địa phương và kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng của 8 lĩnh vực nằm trong khoảng từ 69,57%-78,62%; chỉ số hài lòng của 3 cấp nằm trong khoảng 71,57%-77,21%. Trong số 8 lĩnh vực, lĩnh vực giao thông - vận tải nhận được sự hài lòng cao nhất và lĩnh vực đất đai, môi trường nhận được sự hài lòng thấp nhất. Tuy nhiên, báo cáo SIPAS 2018 cũng cho biết, 21/63 tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính giảm từ 1-12%. Số người được hỏi phản ánh công chức gây phiền hà, sách nhiễu ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 0,00-6,21% với giá trị trung vị là 2,08%; trong đó một nửa số tỉnh có từ 2,08-6,21% số người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân, tổ chức phản ánh công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công ở một số tỉnh lại tăng lên, chỉ số cao nhất năm 2017 là 4,30%, trong khi đó năm 2018 là 5,01%.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung đánh giá Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 và các năm sau cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục giám sát việc điều tra chỉ số hài lòng của người dân để bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, phản ánh đầy đủ kết quả triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh.