Quảng Ninh: Thiệt hại 23.770 tỷ đồng do bão lũ

Ngày 15-9, tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, các địa phương cho biết đang tập trung dồn lực để khắc phục hậu quả bão lũ.

cac-dia-phuong-tham-du-hoi-nghi-tai-cac-diem-cau-4116.jpg
Các địa phương tham dự hội nghị tại các điểm cầu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Báo cáo tại hội nghị, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh rất nghiêm trọng.

Theo thống kê, tỉnh có 25 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương. Các cơ sở hạ tầng về điện, viễn thông, đô thị, kết cấu khu công nghiệp cũng thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 100.000 nhà dân bị tốc mái, hơn 200 nhà bị đổ sập, nhiều nhà dân bị ngập.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề: hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại; có 7.500ha lúa bị đổ ngập, hơn 400.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 90.000ha rừng bị thiệt hại.

Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay của Quảng Ninh là 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại của toàn quốc bởi bão số 3 (ước tính sơ bộ cả nước thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị

Quảng Ninh đã cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt ở vùng biển; trục vớt 165 phương tiện tàu thuyền bị chìm, trong đó có nhiều tàu nuôi cá, tàu vận tải…

Sau bão, 99% mạng phụ tải điện bị mất điện, hạ tầng mạng viễn thông hư hại nặng nề; đến nay 70% phụ tải có điện, gần 100% hạ tầng viễn thông đã được khôi phục lại. Hiện nay, 100% cơ sở ngành than, tất cả các khu công nghiệp, nhà máy cũng đã hoạt động lại.

Lĩnh vực du lịch đã hoạt động trở lại. Quảng Ninh đã đón được gần 10.000 khách, trong đó có 7.000 khách quốc tế. Hoạt động xuất khẩu đã hoạt động trở lại từ ngày 9-9, với kim ngạch xuất khẩu đạt 75,6 triệu USD.

Dự báo, năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, GDP của Quảng Ninh sẽ giảm khoảng 0,5%-0,6%, nhưng tỉnh cam kết sẽ điều hành, điều chỉnh kinh tế để làm sao năm 2024 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2 con số.

Việc cần làm hiện nay là tỉnh tiếp tục thống kế toàn bộ số lượng thiệt hại để hỗ trợ người dân; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung vào đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ học phí, bổ sung kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân, sửa chữa nhà ở, đặc biệt hỗ trợ trục vớt các phương tiện.

Quang Ninh.jpeg
Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3

Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, Quảng Ninh kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản; bổ sung thêm ngành du lịch, dịch vụ, thương mại dịch vụ, công nghiệp về khoanh nợ, giãn nợ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần có chính sách giảm lãi suất, được vay vốn với các hộ nuôi trồng thủy sản và trồng rừng để khôi phục sản xuất; đề nghị tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp nông trường, trồng rừng để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng…

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, tính đến 6 giờ ngày 15-9, Lào Cai có 252 người thiệt mạng, mất tích và bị thương, nhiều ngôi nhà bị sạt lở, ngập nước, hư hỏng; hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Qua việc Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) chủ động đưa 17 hộ dân đi tránh sạt lở; một trưởng công an đã quyết định di dời 34 hộ dân thôn Bản Qua (xã Xuân Hòa) đi nơi khác và chỉ ít phút sau toàn bộ khu này bị sập..., Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đánh giá “không có gì bằng tại chỗ”. Trong khi xã chưa kịp chỉ đạo, thì lực lượng tại chỗ đã quyết định, giảm thiểu được thiệt hại lớn.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Lào Cai đã cùng Quỹ Tấm lòng Việt quyết tâm tái thiết thôn Làng Nủ và thôn Nậm Công. Lào Cai quyết tâm trong tháng 9 này, toàn bộ xã, thôn, bản Lào Cai sẽ thông được thông tin liên lạc và điện sinh hoạt.

Lào Cai hiện còn 77/598 điểm trường, chiếm hơn 12% chưa thể tổ chức dạy học. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng quyết định những việc làm ngay, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là trường học, khu tái định cư và giao thông kết nối…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, đến thời điểm này, trong số 58 người thiệt mạng và mất tích ở Cao Bằng, lực lượng chức năng tỉnh đã tìm được 55 thi thể, 16 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Hiện Cao Bằng đang nỗ lực tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại với phạm vi rộng hơn; cùng với đó là tập trung vào ổn định chỗ ở cho các hộ dân bị mất nhà, tìm địa điểm tái định cư. Lực lượng quân đội, công an đã dựng nhà tạm cho các hộ dân. Dự kiến, tới trước ngày 31-12, tỉnh sẽ bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh triển khai các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành nhà cho người dân trong năm 2024; muộn nhất đến ngày 18-9 các điểm trường sẽ quay trở lại hoạt động bình thường.

Để khắc phục hậu quả sau bão, tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.100 tỷ đồng để khôi phục các công trình, sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông, sớm khắc phục bảo đảm đời sống nhân dân và phát triển kinh tế trong thời gian tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục