Quảng Ngãi: Xóm di tích bị bỏ quên

Quá khứ hào hùng
Quảng Ngãi: Xóm di tích bị bỏ quên

Xóm Mù U thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) trong những năm kháng chiến chống Mỹ, có nhiều di tích lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt. Ấy vậy mà, hơn 32 năm thống nhất đất nước, những di tích lịch sử trên mảnh đất này dường như đang bị bỏ quên!?
 
Quá khứ hào hùng

Những năm 1959-1960, xóm Mù U hứng chịu những trận càn quét, đạn pháo điên cuồng của Mỹ ngụy. Các địa danh: Lâm Sơn, Đồng Nà, Phú Lộc, hầm Xác Máu, hầm Trà Niên, bãi biển Tân An… đã ghi dấu thời gian bằng những trang sử đau thương và oanh liệt.

Quảng Ngãi: Xóm di tích bị bỏ quên ảnh 1

Khai thác quỹ đất ngay trên nóc di tích hầm Xác Máu

Tại địa đạo Lâm Sơn, ngày 10-4-1968 lính Mỹ dùng mìn đánh sập hầm, sát hại 21 người; tại hầm Xác Máu (núi Ông Đọ), ngày 30-4-1965 địch đã sát hại 27 thường dân… Đặc biệt tại bãi biển Tân An, ngày 22-6-1966 nhằm hủy diệt căn cứ Mù U, tàu chiến tầm ngắn của Mỹ đã nã trọng pháo giết chết 108 ngư dân và làm bị thương 39 người khác.

Ông Võ Ngọc Niên, nguyên Phó ban khởi nghĩa của Mù U năm 1964, nay đã trên 83  tuổi, hồi tưởng: Ngày đó, xóm mọc lên 12 cây mù u xanh mướt, tán rộng, thân cây to hai người ôm không xuể, vô tình tạo thành căn cứ hoạt động cách mạng.

Nhờ có những cây mù u, mỗi lần nghe tiếng máy bay Mỹ, quân du kích leo lên quan sát, thông báo kịp thời đã giảm thiểu thiệt hại từ các đợt oanh kích. Khi phát hiện ra dưới tán đám mù u ấy là căn cứ cách mạng, bọn Mỹ đã dùng xe ủi san bằng. Mù u không còn, lực lượng cách mạng và nhân dân phải rút vào hoạt động bí mật trong các địa đạo.

Trong số những người thời ấy, hiện còn có ông Niên và nhà văn quân đội - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung (trợ lý nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu).

Ông Niên ngừng một lát rồi tiếp: “Xóm Mù U có 52 hộ gia đình, kiên cường lắm, không một gia đình nào đi lính hay làm việc cho giặc. Vì vậy Mù U còn có mật danh “Đơn vị 52”, “Liên gia 52” hay “Cây số 52”.

Nơi đây, nửa đêm ngày 8-2-1964 lệnh khởi nghĩa đã được phát động, được sự hưởng ứng của nhân dân các thôn lân cận là Thạch Thang, Lâm Hạ đứng lên đánh đuổi bọn xâm lược… Những thắng lợi bước đầu của khởi nghĩa Mù U đã tạo đà cho các cuộc nổi dậy giành chính quyền trên toàn huyện Đức Phổ, góp phần giải phóng khu vực phía Đông Quảng Ngãi.

Nợ một lời hứa!

Từ ngã tư núi Ông Đọ rẽ vào Mù U, trên diện tích chưa đầy 1.300m2 đã có đến 6 di tích lịch sử. Theo sự hồi tưởng của cụ Niên thì các địa đạo như: hầm Xác Máu, Lâm Sơn, Đồng Nà, Phú Lộc, Trà Niên có chiều dài từ 60m-120m, địa đạo lớn nhất được bố trí 30 phòng là nơi ăn, ở, sinh hoạt và diễn ra các cuộc hội họp.

Cũng theo ông Niên, tại bãi biển Tân An những năm 1935-1945, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hoạt động cách mạng ở đây; đây cũng là địa điểm họp và chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8-1945…

Hơn 32 năm thống nhất, vết thương chiến tranh đã dần liền da liền thịt, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, nơi xóm nhỏ anh hùng ấy, gần 200 nhân khẩu vẫn sống dưới mức nghèo, thu nhập bình quân chưa đầy 90.000đ/người/tháng. Không có nghề truyền thống, không có  cây, con chủ lực để phát triển kinh tế.

Năm 2004, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm Mù U, đã quyết định cho 2 tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ có tàu, các hộ gia đình luân phiên nhau đi biển nên đời sống có khá hơn. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã vào miếu thắp hương, thấy miếu đìu hiu, hoang phế đã chỉ đạo cho tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, tôn tạo ngôi miếu cho “to hơn, đàng hoàng hơn”.

Ngôi miếu này ghi danh những người con của Mù U đã ngã xuống, kinh phí xây dựng 17 triệu đồng là nhờ cụ Niên vận động xây dựng. Mới đầu, khi đặt vấn đề xây miếu thờ thì xã, huyện và tỉnh đều không đồng ý. Nhưng cụ Niên vẫn cho xây miếu và sau đó được công nhận.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi hứa sẽ thực hiện, nhưng gần 4 năm nay, miếu vẫn không được tôn tạo và đang rơi vào cảnh hoang phế.

Giống như vậy, di tích hầm Xác Máu, cửa ngõ vào Mù U cũng khá lặng lẽ, một bên cửa hầm bị xe ủi cày xới để lấy đất xây dựng công trình; tại bãi biển Tân An, nơi 108 người con xóm Mù U đã ngã xuống, nghe đâu, đã được đo đạc để xây dựng hồ tôm!?

Đem thực tế về những di tích này thắc mắc với chính quyền xã Đức Phong, chúng tôi được biết: Năm 2008, huyện sẽ tiến hành cắm bia tưởng niệm tại mỗi di tích, mỗi tấm bia được chi 15 triệu đồng. Còn địa đạo có được phục dựng hay không thì phải hỏi ngành Văn hóa thông tin tỉnh ?! .

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục