Ban chỉ huy PCLB &TKCN Quảng Ngãi đã tiến hành đo đạc, xác định vết nứt chạy dọc theo đường phân thủy quả đồi với chiều rộng từ 5-10cm, chiều dài dọc từ đỉnh núi đến sườn núi hơn 100m, khối lượng đất đá sạt lở trên 2.000m3. Tại chân đồi hiện có 10 hộ, 36 nhân khẩu sinh sống và ổn định dưới căn nhà cấp 4 từ xưa đến nay, khu vực đồi núi được người dân trồng keo từ 1-3 năm tuổi.
Theo đó, cuối năm 2016 mưa lớn xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề, trong đó tại xóm Sa Lung (thôn Cây Muối, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ) dọc theo đường phân thủy quả đồi đã xuất hiện vết nứt gây tâm lý bất an cho nhiều hộ dân. Rất may, vụ nứt núi khi mưa lớn đã không ảnh hưởng đến khu vực dân cư sinh sống.
Trước mắt, quỹ đất bố trí xen ghép tái định cư đã hết, Ban chỉ huy PCLB&TKCN giải pháp tạm thời đối với mùa mưa lũ năm 2017, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND xã tiến hành di dời dân đến các khu nhà ở kiên cố như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt thôn, xã. Tình trạng mưa lũ kéo dài tiếp theo trong năm 2017 có thể gây nguy cơ sạt lở nặng nề ảnh hướng đến 10 hộ dân. Trong phương án lâu dài, huyện Ba Tơ cần có giải pháp tái định cư tập trung.
Trong một diễn biến có liên quan, tại huyện Sơn Tây trong năm 2016 cũng xảy ra sạt lở núi gần trung tâm hành chính, Ban chỉ huy PCLB &TKCN vừa đo đạc với tổng khối lượng đất đá bị sạt lở trên 5.000m3, phần mái taluy dương bị xói lở tạo nên những rãnh nước trên mái taluy, tại các vùng xói lở nặng tạo ra những hố sâu và có khả năng tiếp tục xói lở thêm khi mưa lũ, hiện tại, đất đã tràn vào khu vực san nền phía sau các cơ quan hành chính của huyện, đồng thời, bậc nước và rãnh cơ trên mái taluy bị hư hỏng hoàn toàn. Hiện nay đang lên phương án giảm tải và bố trí tường chắn bằng rọ đá.