Quảng Ngãi: Vận động học sinh miền núi đến trường

Sáng ngày 5-9, hàng ngàn học sinh tỉnh Quảng Ngãi hân hoan bước vào năm học mới. Các thầy cô giáo tại các huyện miền núi cũng tất bật "gõ cửa" từng nhà, đưa các em đến lớp.

Chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, các thầy cô giáo ở miền núi huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đến từng nhà để vận động học sinh đến trường.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Minh Long, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cho biết: “Năm học 2024-2025, toàn huyện Minh Long có trên 4.600 học sinh, hầu hết là học sinh đồng bào Hrê. Để đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp đầy đủ, ngay từ đầu tháng 8, các giáo viên phải đến tận nhà học sinh vận động các em ra lớp. Đồng thời, nắm bắt hoàn cảnh học sinh, nếu em nào khó khăn, nhà trường sẽ có biện pháp hỗ trợ. Với sự quan tâm, yêu thương đối với học sinh người dân tộc thiểu số, các thầy, cô cắm bản vẫn từng ngày nỗ lực vượt qua gian khó, mang cái chữ đến với đồng bào”.

Thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn đến từng thôn tuyên truyền, động viên các em đi học

Thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn đến từng thôn tuyên truyền, động viên các em đi học

Em Đinh Hoài Anh (lớp 4C, Trường Tiểu học Long Sơn, huyện Minh Long) có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ mất sớm, em sống cùng cha và một người anh trai bị khuyết tật. Biết rõ hoàn cảnh gia đình em Hoài Anh, những ngày này, thầy cô giáo của Trường Tiểu học Long Sơn thường xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương đến tận nhà để vận động các em ra lớp. Các thầy cô còn mang theo những phần quà để khuyến khích, động viên em đến lớp.

Cô giáo Hồ Thị Thương chia sẻ: “Đời sống người dân ở huyện miền núi Minh Long vô cùng khó khăn, quanh năm gắn bó với nương rẫy nên họ chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con em mình. Chính vì vậy, đối với các thầy cô giáo ở đây, bên cạnh công việc chuyên môn thì chúng tôi cũng có thêm nhiệm vụ là đi gõ cửa từng nhà để tìm thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường”.

Cô Hồ Thị Thương đến nhà thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường

Cô Hồ Thị Thương đến nhà thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường

Vượt suối, băng rừng, leo dốc… là cung đường quen thuộc mà các thầy cô giáo ở huyện Minh Long phải đi qua để đến được nhà học sinh của mình. Bà Phạm Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn, cho biết: “Ngày từ đầu năm học nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương và phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp vận động học sinh ra lớp. Các thầy cô giáo chẳng ngại đường xa, chẳng ngại gian khó, kiên trì đến từng nhà học sinh. Đây cũng là hành trình giúp các thầy cô gần hơn, hiểu hơn và chia sẻ hơn về hoàn cảnh của mỗi học trò”.

Không chỉ nỗ lực vận động học sinh đến trường mà năm học mới 2024-2025, nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục tại tỉnh Quảng Ngãi cũng được đầu tư để sửa chữa cơ sở vật chất. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh 30 tỷ đồng để ngành GD-ĐT tỉnh sửa chữa cơ sở vật chất cho 39 đơn vị trực thuộc.

Đối với các huyện miền núi việc vận động học sinh đến lớp được đặc biệt quan tâm.jpg
Học sinh miền núi huyện Sơn Tây đến trường đón năm học mới

Huyện miền núi Sơn Tây đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở trường lớp. Trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Đinh Thanh Kháng vừa được đầu tư xây dựng thêm 9 phòng học, 12 phòng bán trú cho học sinh và giáo viên, xóa 3 điểm trường lẻ.

Khu nhà mới xây của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng huyện miền núi Sơn Tây.jpg
Khu nhà mới xây của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Đinh Thanh Kháng huyện miền núi Sơn Tây

Bà Đoàn Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Đinh Thanh Kháng cho biết: Năm học mới này, nhà trường có 23 lớp với hơn 650 em học sinh, trong đó 400 em học sinh tiểu học, còn lại là trung học sơ sở, số học sinh ở lại bán trú là 120 em.

Tin cùng chuyên mục