Quảng Ngãi: Tưởng niệm 456 năm ngày mất của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Ngày 20-6, tại Khu di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ giỗ 456 năm ngày mất của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (1568-2024).

Dự lễ có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An, cùng sự có mặt của đông đảo con cháu trong gia tộc họ Bùi trên khắp cả nước.

bùi thị quỳnh vấn
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân thắp hương tưởng niệm

Tại đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng với tộc họ Bùi các tỉnh thành, các địa phương trong tỉnh, người dân đã thành kính dâng hương, ghi nhớ công ơn của Trấn Quốc công, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử, người có công khai phá, ổn định đời sống cho nhân dân vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam xưa và tỉnh Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, đại diện họ Bùi đã trao 4 phụ bản gồm 4 sắc phong liên quan đến Trấn Quốc công Bùi Tá Hán cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bảo quản, trưng bày.

bang.jpg
Đại diện tộc họ Bùi đã trao phụ bản sắc phong cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bảo quản, trưng bày

Trần Quốc công Bùi Tá Hán (sinh 1496) là người Châu Hoan, Nghệ An, trong một gia đình danh nho. Ông nổi danh là vị tướng trí dũng song toàn. Sau khi nhà Lê suy yếu và bị mất ngôi vào năm 1527, ông theo cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim, xướng nghĩa cần vương, khôi phục nhà Lê, lập nhiều công lao. Năm 1545, ông được triều đình nhà Lê phong làm Bắc quân Đô đốc, đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam, là vùng đất từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày nay.

trấn quốc công.jpg
Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Ông được vua Lê sắc phong làm trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam, ban tước Trấn Quận công vào năm 1546. Sau sắc phong, ông đặc biệt chú trọng việc bảo vệ bình yên cho vùng đất này bằng “chính sách an dân”, với tư tưởng hòa hợp, đoàn kết dân tộc giữa người Việt với người Chămpa, giữa người Kinh với người Thượng. Mặt khác, ông cho đắp các đồn (bảo) để gìn giữ trật tự, trị an trong vùng. Từ đây, vùng đất Quảng Nam ngày càng ổn định, thịnh vượng và là chỗ dựa vững chắc cho chúa Nguyễn sau này.

Ghi nhận công trạng của Bùi Tá Hán, các triều đại phong kiến sau này đã tôn vinh, ban nhiều sắc phong thần. Năm 1990, Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Tin cùng chuyên mục