Mô hình sản xuất bưởi da xanh thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở KH-CN tỉnh Quảng Ngãi (cơ quan chủ quản) phối hợp Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế), đơn vị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao nhận thức và năng lực canh tác của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi” với 6 hộ tham gia trên diện tích 1ha, bắt đầu từ tháng 1-2024.
Ông Nguyễn Đức Hiền, cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp xã Hành Nhân, cho biết: “Giống bưởi được chọn có nguồn gốc từ bưởi da xanh miền Nam được trồng tại địa phương từ năm 2017 và những cây bưởi đang bước vào giai đoạn thương phẩm kinh doanh, phát triển ổn định”.
Vườn bưởi da xanh 2ha của ông Nguyễn Tấn Việt (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân) được xem là một điểm sáng trong áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, nhà vườn đang bước vào chính vụ thu hoạch bưởi. Theo ông Việt, vụ này do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài khiến sản lượng bưởi sụt giảm nhưng chất lượng quả bưởi lại ngọt hơn so với năm ngoái.
Ông Việt trồng 200 gốc bưởi, trong đó có hơn 50 gốc bưởi đủ 7 năm tuổi, bước vào thu hoạch rộ, bắt đầu cho quả đều hàng năm.
Theo ông Việt, bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rất chất lượng, bưởi ít sâu bệnh, phát triển đều quả. Hiện giá tại vườn bình quân 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 15-20% so với bưởi thông thường, đây là điều khiến nhiều hộ dân tham gia mô hình rất vui vì sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định, không lo thiếu đầu ra. Theo ông Việt, nếu thời tiết thuận lợi thì 50 gốc bưởi có thể thu về 2 tấn.
Ông Việt chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng làm theo tính tự phát, tôi cũng vào miền Nam đem giống bưởi da xanh về trồng. Sau đó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tôi đi tập huấn, cán bộ chỉ dẫn thêm, tôi dựa vào đó mà quyết tâm làm, trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ”.
Để trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, trong quá trình canh tác, ông Việt chủ yếu kết hợp phân hữu cơ ủ hoai mục, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trong vườn bưởi, các loại cỏ mọc được giữ lại để điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, tạo môi trường thuận lợi cho các loại côn trùng có ích sinh sống.
Từ khi cây bắt đầu ra quả, ông dùng túi vải pha nilông để bao bọc quả bưởi, vừa phòng tránh sâu bệnh, vừa chống rám quả bưởi. Trong suốt giai đoạn ra quả đến thu hoạch, nhà vườn không phun hoặc sử dụng thêm phân bón, chỉ tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho cây.
Tương tự, bà Bùi Thị Thu (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân) cũng trồng 30 cây bưởi da xanh từ năm 2017, hiện bưởi đang vào vụ thu hoạch. Bà cho biết: “Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn nên bưởi phát triển rất tốt, giá cả cũng cao hơn so với giá các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường”.
Theo ông Hiền, cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp xã Hành Nhân, kết quả đề tài của Trường Đại học Nông lâm Huế cho thấy, về năng suất và hiệu quả kinh tế của bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 20,6 quả/cây, nhiều hơn so với mô hình đối chứng (15 quả/cây) sau 78 ngày kể từ ngày đậu quả, tăng năng suất bưởi da xanh lên 17,51 tấn/ha ở mô hình tiêu chuẩn VietGAP và 11,25 tấn ở mô hình nông dân.
Ông Hiền cho biết: “Công ty CP Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm “Bưởi da xanh” đạt tiêu chuẩn TCVN 11892 - 1:2017, phù hợp với quy trình thực hành sản xuất VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hành Nhân”.
“Toàn xã Hành Nhân có khoảng 128ha cây ăn quả, với việc thành công từ mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP là cơ hội để nông dân tiếp cận công nghệ mới, cách thức sản xuất khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ và được hướng dẫn kỹ càng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế, hướng tới nhân rộng mô hình”, ông Hiền nói.