Từ bao đời nay, người dân thôn Đông Yên giữ nghề làm thúng chai truyền thống, nghề hoàn toàn bằng thủ công từ khâu vót nan đến đan mê,
Làng Đông Yên hiện chỉ còn 80 lao động làm nghề đan thúng, trong đó, chỉ có 7 người được xem là “lão làng” của nghề.
Càng về tết, làng càng tất bật.
Ông Trần Công Tươi, 78 tuổi, thôn Đông Yên, cho biết: “Ngư dân đi biển năm được mùa mực, cá thì đặt làm thúng nhiều. Mỗi chiếc thúng có thể dùng 3-5 năm, mỗi chiếc thuyền hành nghề mực khơi có thể cần 7-10 chiếc thúng. Cuối năm tôi nhận hàng đến 40 chiếc thúng, chủ yếu là ngư dân hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh đặt. Vừa rồi cũng đã giao hơn một nữa, còn lại vẫn ráng làm cho hết”
Ông Tươi kể rằng, trước kia ngư dân biển đi gần vì họ không có điều kiện thuyền to, máy lớn như bây giờ, thì mỗi thuyền chỉ 1-2 chiếc thúng.
Ngày nay, thuyền càng to thì thúng theo thuyền càng nhiều. Nhưng ngược lại, nếu nghề đan thúng xưa kia nhiều người làm thì nay chỉ còn vài người đan.
“Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, ngồi đan mãi, nên người trẻ không chịu làm. Bây giờ họ đặt số lượng nhiều nhưng tôi không dám nhận, vì không có người làm”, ông Tươi trăn trở.
Mỗi chiếc thúng thông thường dài 9m, thúng nhỏ thì 7m, giá 7 triệu đồng, người đan thúng tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Sau công đoạn đan tre, làm vành thúng, lận vành, người ta quét lớp phân bò chờ đến khô, rồi quét dầu rái.
Việc quét phân bò giúp cho nước biển không thấm vào trong, bảo vệ lớp nan, chịu nắng tốt.
Ông Tươi cho biết: “Dù có thúng nhựa, thúng bán sẵn, nhưng ngư dân đi biển vẫn thích dùng thúng chai đan vì dùng lâu, không bị méo mó, không bị vô nước, hư hỏng”.
Ở thôn Đông Yên, người làm thúng tận dụng vùng đất trồng, sân bóng, kể cả đường bờ kè để “hành nghề” vì họ không có điều kiện mở xưởng hay cơ sở làm.
Ông Lê Văn Tiến (46 tuổi, thôn Đông Yên) nhận đặt hàng 20 chiếc thúng. Ông vừa hoàn thành những chiếc thúng cuối cùng và kịp giao cho ngư dân. Ông thuê thêm vài ba người thợ cùng làm.
“Không có mặt bằng, nên đụng đâu thì làm đó, rồi khơi ngoài nắng cho thúng khô hẳn. Nhiều người làm nghề này phải yêu nghề và gắn bó với nó bởi cái nghề nhiều lúc ngồi đến đau lưng, người lớn tuổi thì càng khó”.
Tương tự, ông Phạm Khải (43 tuổi, thôn Đông Yên) nhận đơn đặt hàng cuối năm đến 50 chiếc, đến nay đã bàn giao đến 80%.
“Thị trường thúng chai đang phục hồi, dịp tết này nhiều người nhờ làm thúng mà người dân có thêm thu nhập, mua sắm nhiều vật dụng trong nhà”.