Sau chuyến khai thác hải sản trên biển, ngư dân Nguyễn Thanh Chung (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) không trở về neo đậu và bán cá tại cảng cá địa phương mà thường về cảng tại Đà Nẵng, Bình Định.
Ông Chung cho biết: “Các cảng cá ở Quảng Ngãi ra vào rất khó khăn, luồng lạch cạn, dễ xảy ra tai nạn, mấy năm qua, tàu của tôi thường cập cảng các các tỉnh khác”.
Ngư dân neo tàu ở cửa sông gần cảng Cửa Đại (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi), cửa sông nước cạn, luồng lạch ra vào rất khó khăn, chủ yếu các tàu nhỏ về. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Theo nhiều ngư dân, luồng lạch ở cảng cá Cổ Lũy thường xuyên bị bồi lấp, ngư dân ra khơi rất khó do bị mắc kẹt ở trong cửa biển dù tỉnh Quảng Ngãi đã thường xuyên nạo vét, khơi thông luồng lạch. Nhiều năm nay, các tàu cá địa phương xã Nghĩa An và Nghĩa Phú thường không về cập cảng để bán hải sản tại quê nhà.
Tương tự, tại cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), vào mùa khai thác hải sản, nơi đây chỉ có 30 tàu công suất nhỏ cập cảng để bán hải sản, các tàu không về cảng do luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp.
Vào mùa mưa bão, cảng Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) neo trú chật chội, dễ xảy ra va đập khi sóng lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Trong khi đó vào mùa mưa bão, tại cảng cá Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) lại diễn ra tình trạng quá tải với hơn 400 tàu cá neo đậu tránh trú bão trong khi đó sức chứa tối đa của cảng Tịnh Hòa là 350 tàu. Các tàu phải “bon chen” nhau ở mé sông, không tránh khỏi va đập khi lũ sông dâng cao, sóng đập.
Hạ tầng nghề cá nhiều bất cập, ít được đầu tư nâng cấp khiến cho mỗi năm sản lượng hải sản qua cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh, kéo theo các dịch vụ hậu cần cảng cá không phát triển.
Ngư dân cập cảng bán cá sau chuyến biển. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Quảng Ngãi là địa phương số lượng tàu thuyền lớn với 4.500 tàu cá, trong đó hơn 3.300 tàu có chiều dài trên 15m. Tỉnh có 5 cảng, trong đó có 2 cảng cá là Sa Huỳnh và Cảng Tịnh Kỳ và 3 cảng neo trú tàu thuyền gồm cảng Lý Sơn, Mỹ Á, Tịnh Hòa nhưng chỉ đáp ứng cho 1.750 tàu thuyền neo đậu, tránh trú.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung nâng cấp hạ tầng cảng cá để phấn đấu đáp ứng từ 80 - 90% nhu cầu neo đậu tàu thuyền của ngư dân.
Để phát triển nghề cá bền vững, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng khu neo đậu, tránh trú tàu thuyền. Trong đó, dự án “Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa” được Bộ NN-PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng.
Đây là công trình trọng điểm của Quảng Ngãi trong lĩnh vực thủy sản, nâng cao năng lực neo trú từ 350 tàu lên 1.150 tàu. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm có mặt bằng triển khai thực hiện. Dự kiến từ nay đến ngày 30-9 sẽ hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, rà phá bom mìn, vật nổ.
Các ngư dân rất mong muốn cảng cá được đầu tư để các tàu cá công suất lớn cập cảng bán cá tại địa phương, từ đó phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Tiếp đó, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Tỉnh cũng thực hiện triển khai dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (TP Quảng Ngãi), giai đoạn 1 dự án triển khai thực hiện các hạng mục xây dựng đê chắn sóng, ngăn cát phía Bắc, phía Nam và kè bảo vệ chống xói lở gốc đê phía Nam. Tổng mức đầu tư dự án là 157 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 - 2023.
Theo Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Cụ thể, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá gồm cảng Tịnh Hòa, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á, Cổ Lũy (Cửa Đại), Sa Cần, Đức Lợi và cảng cá sông Trà Bồng.
Theo Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm khai thác hải sản bền vững, tỉnh Quảng Ngãi hướng đến sản lượng khai thác hải sản ở mức 260.000 tấn/năm, số lượng tàu thuyền khai thác đến năm 2030 giảm còn dưới 4.500 chiếc, cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có chiều dài dưới 15m khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Tiếp tục giảm nghề lưới kéo xuống dưới 25%, khuyến khích chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện môi trường, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khai thác, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.