Nói đến gừng Quảng Ngãi không thể không nhắc đến làng trồng gừng Hòa Bình nổi tiếng với giống gừng cay dịu, thơm ngon. Người dân thôn Hòa Bình (xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi) có nghề truyền thống trồng gừng từ bao đời nay, nhiều gia đình đến 3 đời, 4 đời trồng gừng.
Ông Lê Văn Phi (đội 2, thôn Hòa Bình) cho biết: “Tôi trồng 1 sào gừng, năm nay giá gừng củ được thương lái thu mua cao, mức giá 30.000 đồng/kg. Với sào gừng này, tôi ước tính thu về khoảng 15 triệu đồng”. Theo ông Phi, trồng gừng không khó nhưng phải đảm bảo khoảng cách mỗi bụi gừng từ 3-5 tấc/bụi, như vậy gừng mới cho củ to, đều và đẹp.
Theo nhiều người trồng gừng thôn Hòa Bình, năm nay, nhiều diện tích gừng bị bệnh, hư hại, sản lượng không đạt như mọi năm nhưng bù lại giá bán cao nên người dân vẫn có nguồn thu để sắm sửa tết đến, xuân về.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà (đội 2, thôn Hòa Bình) cho biết: “Gia đình tôi cũng trồng 1 sào gừng và đến khoảng mùng 8 tháng Chạp mới bắt đầu thu hoạch nhưng thương lái đã đến hỏi giá và đặt mua gừng củ. Trung bình, tôi bán sỉ cho thương lái khoảng 300.000 đồng/12kg. Gừng được làm sạch đất và cột thành bó, mỗi bó khoảng 0,5kg. Nếu giá bán này ổn định cho đến cuối tháng Chạp, người nông dân chúng tôi ăn tết khỏe”.
Diện tích gừng ở xã Tịnh Ấn Tây chỉ có khoảng gần 13ha diện tích nhưng củ gừng được xuất bán khắp các huyện, tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam… Thị trường tiêu thụ mạnh nên nông dân không còn vất vả bán lẻ mà thương lái đến tận nơi thu mua.
Tết cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất mứt gừng ra sức hoàn thành hàng tấn mứt gừng cung ứng kịp thị trường tết. Bà Nguyễn Thị Lắm (thôn 2, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) có hơn 20 năm trong nghề làm mứt gừng và đây cũng là truyền thống của gia đình bà.
Mứt gừng trải qua nhiều công đoạn như gọt vỏ, bào mỏng, luộc gừng, đãi sạch, ngào đường, bắt mứt, đóng gói... Làm mứt gừng tuy không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn để một lát mứt gừng phải bao trọn đủ vị dịu ngọt, thơm, cay nồng nhưng không quá gắt.
Để làm mứt gừng thơm ngon, gừng nguyên liệu được lựa chọn làm mứt phải là củ gừng tươi, nhiều nhánh, thơm. Đặc biệt, quá trình nấu gừng phải khống chế ngọn lửa ở nhiệt độ vừa phải, tay đảo đều.
Mùa làm mứt gừng cũng là dịp giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm kiếm thêm thu nhập. Vụ tết này, bà Lắm phải thuê thêm 5-6 lao động phụ việc làm mứt. Bà Lắm cho biết: “Trước đây, mỗi vụ tết, tôi làm hơn 20 tấn gừng cung cấp cho thị trường, nhưng năm nay nhà tôi chỉ làm khoảng vài tấn, thị trường gừng tết rất cạnh tranh”.