>>Clip: Thực trạng rạn san hô Gành Yến
Anh Võ Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Gành Yến, Trưởng thôn Thanh Thủy, cho biết, nguyên nhân rạn san hô không còn nguyên vẹn là do tác hại môi trường, du khách đến tham quan, có khi người dân đi lặn nhum, rong mơ, đạp chân vào san hô cũng làm san hô bị gãy, không còn đẹp.
Anh Tùng cho biết: “Hiện tại, trong quá trình trực, nếu phát hiện có người bẻ san hô hoặc hành động tổn hại san hô thì chúng tôi vận động trả về chỗ cũ vì hiện tại chưa có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt nên giải pháp cũng chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền”.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, mùa này du khách xuống Gành Yến rất đông, xã có tổ bảo vệ nhưng việc giám sát không thể đảm bảo 24/24.
Mới đây, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đang xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng ở Bình Sơn theo hướng hài hòa sinh thái xã hội với công nghiệp hóa và đô thị hóa gắn trao quyền cho cộng đồng trong quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế” - trong đó có hoạt động bảo vệ rạn san hô Gành Yến, xã Bình Hải.
Ông Cầu cho biết, hiện tại chỉ mới khảo sát và định hướng dự án, về phía địa phương cũng đã có phương án xây dựng phát triển điểm du lịch Gành Yến, trong đó gắn với bảo tồn Gành Yến.
Theo phương án này, ngày càng có nhiều du khách biết đến Gành Yến nên số lượng du khách đến tham quan ngày càng đông, tình trạng này bộc lộ nhiều hạn chế trong phát triển điểm du lịch Gành Yến.