Đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển
Tại hội nghị, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo tình hình thiên tai và công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, trong năm 2017, đã có 16 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 2 đợt lốc, 3 đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thiên tai đã làm 10 người chết, 1 người mất tích, 48 người bị thương, sập đổ 35 ngôi nhà và làm cho 578 ngôi nhà bị hư hỏng; nhiều công trình trường học, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính 988.400 triệu đồng.
Trong năm 2017, đã có 59 trường hợp tàu, thuyền và ngư dân tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn trong quá trình khai thác thủy hải sản làm 6 người chết, mất tích; 6 người gặp tai nạn, sự cố; 38 tàu bị chìm; 9 tàu bị hư hỏng tổng thiệt hại về kinh tế hơn 70 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 1 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (đang mạnh lên thành bão) trên biển Đông và nhiều đợt không khí lạnh gây gió lạnh trên biển. Đã có 7 trường hợp tàu thuyền của tỉnh có tàu/ngư dân gặp nạn trong quá trình khai thác làm 1 tàu chìm, 1 người chết. Ngoài ra, có 1 tàu cá của tỉnh cứu nạn 1 tàu người nước ngoài (quốc tịch Mỹ) và đưa về an toàn.
Đối với quản lý tàu cá và TKCN trên biển, Đại tá Đoàn Thanh Long -Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho hay công tác TKCN trên biển hết sức phức tạp, so với con số thực tế thì con số báo cáo thật ra quá ít.
"Các chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này bởi phạm vi ngư trường của ngư dân khai thác quá rộng (khắp cả nước) nên không thể quản lý hết. Mặt khác, phương tiện tàu thuyền của ngư dân không đảm bảo chất lượng (tàu cũ, hư hỏng,…) nên rất dễ gặp nạn. Cho nên chất lượng tàu cá được kiểm tra, đăng kiểm thường xuyên thì hạn chế được khả năng rủi ro xảy ra", Đại tá Đoàn Thanh Long chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, phân tích tình hình thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác kêu gọi, sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn và cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền và ngư dân. Theo ông Thanh, trong năm 2017, huyện Lý Sơn bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 12, đến 121 tỷ đồng. Ông Thanh cho biết, khi có thông tin từ cấp trên, huyện Lý Sơn tổ chức họp và kiên quyết thực hiện các phương án nhằm hạn chế thiệt hại như kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn. Đồn biên phòng, UBND xã, nghiệp đoàn nghề cá… phải liên lạc 24/24 giờ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, kiên quyết không lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại đối với các tàu không chấp hành di chuyển tàu về nơi an toàn, cưỡng chế di dời đối với các hồ nuôi lồng bè trên biển vào nơi an toàn.
Rà soát an toàn hồ chứa, thủy điện
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tổng số hồ chứa nước thủy lợi hiện có 123 hồ chứa với tổng dung tích trữ thiết kế là 407,35 triệu m3 được phân bố trên 11/14 huyện, thành phố.
“Về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập theo 9 tiêu chí, trong đó, một số nhiệm vụ chưa được các chủ đập thực hiện nhiều như kiểm định an toàn đập, cắm mốc hành lang bảo vệ đập, lập quy trình vận trình điều tiết hồ chứa nước... Nguyên nhân do kinh phí tổ chức thực hiện lớn, vượt quá khả năng chủ đập. Hiện nay, mới chỉ có 1 hồ chứa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ đập”, ông Nguyễn Mậu Văn nói.
Theo ông Văn, hiện có 38 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề cần được ưu tiên sửa chữa, trong đó có 18 hồ phần lớn được xây dựng từ trước năm 1989 đã được Bộ NN&PTNT thống nhất danh mục các hồ chứa nước thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đến nay vẫn chưa được sửa chữa.
Để đảm bảo phương án quản lý, khai thác đập, hồ chứa, theo ông Nguyễn Mậu Văn, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đang trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ 19 hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 hoặc đập có chiều cao từ 15m trở lên; UBND các xã, phường thị trấn quản lý các hồ chứa dung tích dưới 1 triệu m3, đập có chiều cao nhỏ hơn 15m... Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần xây dựng xong phương án và triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Về an toàn đập đối với các công trình thủy điện, trên địa bàn tỉnh có 6 công trình thủy điện đã hoàn thành thi công, đang khai thác sử dụng, trong đó có 4 công trình thủy điện thuộc phạm vi đánh giá, kiểm tra của Sở Công thương gồm thủy điện Cà Đú, Hà Nang, Sông Riềng, Huy Măng. Còn lại Hồ Nước Trong thuộc quản lý Bộ NN&PTNT, Thủy điện Đăkđrinh thuộc quản lý Bộ Công thương.
Đánh giá kết quả kiểm tra hằng năm 4 công trình thủy điện, Sở Công thương cho biết hiện trạng các đập thủy điện vận hành ở trạng thái bình thường, không có biểu hiện thấm, nứt, sạt trượt mái, xói lở hay các hiện tượng bất thường khác.