Quảng Ngãi: Phát triển gừng gió, đặc sản vùng núi Trà Bồng

Từ một loại cây mọc dại trong tự nhiên, một số người Cor miền núi huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) mang về nhà trồng, đến nay gừng gió đã trở thành đặc sản được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Gừng gió (gừng sẻ) là loại cây gia vị, dược liệu quan trọng trong đời sống của người Cor ở miền núi huyện Trà Bồng, những năm gần đây, gừng gió có giá trị kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Hồ Văn Hùng (xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng), cho biết: “Gừng gió có vị cay, thơm đậm đà và màu sắc cũng đỏ hơn so với gừng đồng bằng”.

Trước đây gừng gió mọc dại trong tự nhiên, nhiều người mang về nhà trồng để sử dụng trong gia đình. Sau khi gừng gió được thương lái thu mua, có năm giá đến 50.000-60.000 đồng/kg, cao nhất 100.000 đồng/kg, nên người dân bắt đầu phát triển trồng cây dược liệu này.

Gừng gió được người dân mang về trồng trong vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gừng gió được người dân mang về trồng trong vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gừng gió có vị cay, ngọt nhẹ và thanh chứ không gắt, thường dùng điều trị cảm, ho

Gừng gió có vị cay, ngọt nhẹ và thanh chứ không gắt, thường dùng điều trị cảm, ho

Gừng gió trồng tập trung tại các xã khu Tây huyện Trà Bồng, trong đó có xã Sơn Trà, một thủ phủ gừng gió. Địa phương tập trung mở rộng diện tích trồng gừng để phát triển kinh tế gia đình với quy mô lớn hơn, tổng diện tích đến 6,5ha, khoảng 45 hộ tham gia trồng gừng.

Ông Phạm Hùng Thanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Trà, cho biết: “Toàn bộ diện tích này hiện nay đều liên kết doanh nghiệp thu mua. Bình quân hiện tại 3,5 tấn/ha, trừ đi chi phí có thể thu được 50 – 70 triệu/ha, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.

Vùng đất phía Tây ở Trà Bồng là nơi có nhiều điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để gừng gió phát triển. Huyện Trà Bồng đã đưa loại cây bản địa này vào danh mục cây trồng ưu tiên phát triển. Ở các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây được khoanh vùng trồng gừng gió với diện tích 20ha, định hướng sẽ phát triển lên 25ha vào năm 2025 và 30ha vào năm 2030.

Địa phương kiểm tra tình hình phát triển cây gừng gió do các hộ dân trồng tại xã Sơn Trà

Địa phương kiểm tra tình hình phát triển cây gừng gió do các hộ dân trồng tại xã Sơn Trà

Gừng gió mở ra cơ hội phát triển vùng chuyên canh, bảo tồn cây dược liệu bản địa

Gừng gió mở ra cơ hội phát triển vùng chuyên canh, bảo tồn cây dược liệu bản địa

Ông Ngô Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trà Bồng, cho biết: “Trong thời gian đến, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện với vai trò là cơ quan tham mưu của UBND huyện sẽ tích cực tham mưu về lĩnh vực khoa học, công nghệ để đưa thương hiệu gừng gió đi xa hơn. Đồng thời, nâng cao chất bao bì, sản phẩm. Từ đó, giới thiệu, đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị, nâng cao chất lượng…”.

Gừng gió Trà Bồng hiện nay đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Gừng gió (gừng sẻ) Trà Bồng”, công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Việc phát triển cây gừng gió thành sản phẩm hàng hóa không chỉ nhằm mục đích đa dạng sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn gắn với việc bảo tồn nguồn gen cây bản địa quý giá này.

Tin cùng chuyên mục