Xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng rau diếp cá lớn với hơn 20ha, đây là cây được người dân trồng đại trà. Mưa bão kéo dài, vựa rau ngập trong nước, gió bão đã khiến cho lưới bạc phủ bị rách, giàn đúc bằng xi măng cũng bị quật ngã, thiệt hại nặng nề. Thời tiết vẫn còn đang mưa, do ảnh hưởng bão số 12 đang gần bờ, tuy nhiên, người dân vẫn đội mưa khắc phục vườn rau, nhanh chóng tái sản xuất.
Nghề trồng rau diếp cá ở xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi sử dụng việc đúc trụ xi măng kết hợp che phủ lưới bạc để giảm ánh nắng, làm mát rau diếp cá. Nên sau bão, người dân phải chật vật trong việc tìm lưới, đúc trụ để dựng lại vườn.
Nông dân đội mưa dựng lại vườn rau đã tan nát sau bão. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Gia đình bà Phạm Thị Mỹ Dung (xã Tịnh Châu) đang tranh thủ phủ lưới lên giàn để khôi phục sản xuất. Bà Dung cho biết: “Mỗi cây lưới bạc có giá 1,1-1,2 triệu đồng/cây. Nhà tôi trồng 2 sào, cần đến 2 cây lưới bạc để phủ toàn bộ giàn. Rau diếp cá hư hết, đất toàn bùn lầy nên việc sản xuất gặp khó khăn hơn”. Theo bà Dung, rau diếp cá có đặc điểm là chỉ cần trồng 1 lần và cứ thế phát triển cho ra nhánh mới, thu hoạch quanh năm. “Bây giờ phải trồng lại toàn bộ chứ không thể khắc phục, dặm thêm được. Thời gian rau diếp cá có thể thu hoạch từ 1-1,5 tháng, do vậy, gia đình tôi phải đội mưa để làm lại giàn cho rau, chuẩn bị xuống vụ”, bà Dung nói.
Bà Lý Thị Trà (xã Tịnh Châu) có 2 sào rau diếp cá, bà đã mua hơn 5 triệu đồng cho 5 cây lưới bạc để về phủ toàn bộ vườn rau. Gia đình còn đúc thêm trụ xi măng để chống lại thay cho những trụ đã gãy đổ. Bà Trà cho biết: “Rau diếp cá đang có giá, bán ra đến 35.000 đồng/kg, mỗi sào thu 2-3 tạ, nhưng giờ thiệt hại hết, dù có nhặt kỹ thì thương lái cũng không mua nên phải bỏ làm lại”.
Một góc vườn rau diếp cá, cây trụ đúc xi măng ngã đổ, giàn lưới hư hỏng. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ngoài vựa rau diếp cá chuyên canh, người dân xã Tịnh Châu cũng trồng nhiều đậu côve, ông Nguyễn Dũng đã trồng 1 sào đậu côve, sau bão, những cây tre chống làm giàn đã ngã đổ, ông Dũng phải lượm từng cây, cây lành thì tiếp tục cắm lại, còn cây gãy thì ông vót tre ở nhà để bắt giàn lại.
Ông nói: “Vụ này tôi mới trồng xuống, cây mới lên lá chỉ khoảng 5cm, nên phải tranh thủ trồng thêm rồi chống đỡ giàn để nhanh chóng phục hồi vườn rau. Đậu côve có giá sau bão rất cao đến 70-80.000 đồng/kg, ai đang trồng thì đều cố gắng ra đồng canh tác”.
Sau mưa bão, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.000ha lúa, rau màu, cây trồng hằng năm bị thiệt hại. Các ngành chuyên môn đang hướng dẫn người dân cải tạo đồng ruộng, nạo vét kênh nhằm tiêu úng triệt để, tập trung khôi phục các vườn rau bị hư hại, tái sản xuất.
>>> Nông dân Quảng Ngãi khắc phục tái sản xuất sau mưa bão:
Sau mưa bão kéo dài, khiến vựa rau xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi tan hoang. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Nông dân đội mưa để khắc phục vườn rau nhanh chóng tái sản xuất. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Do ảnh hưởng bão số 12 đang vào nên tỉnh Quảng Ngãi đang có mưa, dù vậy, nông dân vẫn cố gắng khắc phục sản xuất để có nguồn rau cung ứng thị trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Nông dân đang cắm lại những giàn tre vườn rau sau khi bão phá. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Lựa những cây lành lặn để làm giàn leo cho đậu côve. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Cột lại giàn lưới cho chắc chắn để giảm thiệt hại khi bão đang cận kề. Ảnh: NGUYỄN TRANG