Hàng chục tàu cá bị chìm tại nơi neo đậu tại cửa biển cuối dòng sông Phú Thọ, giáp ranh 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), những tàu cá xuống cấp, hư hỏng, gỗ mục chìm nổi theo thủy triều lên xuống. Không có người thường xuyên trông coi, bảo quản nên tàu cá đang dần trở thành “đống rác” ngổn ngang gây ảnh hưởng công tác neo đậu tại cửa biển.
Số tàu cá bị chìm là của những ngư dân xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, đa số vướng nợ ngân hàng vì vay đóng tàu mới, sau nhiều chuyến đi biển khai thác không hiệu quả, lỗ tồn, trong lúc chờ thanh lý trả nợ ngân hàng thì chủ tàu neo đậu tại bến.
Ông Võ Văn Chí (xã Nghĩa An) cho biết, tàu cá của ông có chiều dài 19m, công suất hơn 600CV, sau nhiều năm nằm bờ không có người mua, mưa nắng, gió bão nên tàu chìm. Ông nói: “Tàu hiện tại chỉ còn 176 triệu thôi nhưng không ai chịu mua”.
Những tàu bị chìm đều rao bán giá rẻ nhưng khó tìm người mua, không có ai chịu đưa tàu lên để sửa chữa làm lại để ra khơi. Ước tính có khoảng 22 tàu cá của 2 địa phương trên neo bờ, trong đó nhiều tàu đã bị chìm suốt 2 năm qua.
Tàu neo bờ không có người bảo quản trông coi dễ xảy ra tình trạng bị trôi khi gặp mưa bão, gây ảnh hưởng đến tàu cá neo lân cận, hoạt động sản xuất trên biển, ra vào luồng lạch, một số ghe, thúng hành nghề ven sông gặp khó khăn.
Ông Võ Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, riêng xã Nghĩa An có 5 tàu bị chìm, những tàu này ngân hàng thu tàu và tòa án đã thi hành án, tàu của ngân hàng thì địa phương rất khó khăn trong quản lý.
Riêng một số tàu còn lại mà không hoạt động, neo đậu tại cửa biển thì giải pháp địa phương vận động, tuyên truyền chủ tàu gửi người thân, người nhà trước khi đi làm xa để họ kéo lên đà, cọ nước hằng ngày, hoặc bán cho người khác để hạn chế tình trạng tàu neo bờ, chìm tàu hư hỏng.
UBND xã Nghĩa An cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho ngư dân địa phương có tàu cá vay đóng mới ngân hàng bị vướng nợ, nợ xấu.