Xã Bình An (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 4 hồ, đập chứa nước gồm: hồ chứa nước Đá Bạc, Hóc Bó, Long Đình và đập Tuyền Tung. Ngoài ra còn các hồ, đập nhỏ khác. Tuy nhiên, tất cả các hồ, đập này đều đã xuống cấp, rò rỉ, thấm nước, mực nước trong lòng hồ, đập đã xuống thấp.
Hồ chứa nước Đá Bạc được xây dựng từ những năm 1980, đến nay đã qua 44 năm sử dụng, công trình đã hư hỏng, xuống cấp, các mái thượng lưu, hạ lưu bị xói mòn, sạt lở. Nhiều hộ dân trồng keo xung quanh xâm lấn khu vực hồ chứa nước, khiến diện tích lòng hồ bị thu hẹp, bên cạnh đó, nắng nóng gay gắt đầu mùa khiến mực nước trong hồ cạn dần.
Bà Nguyễn Thị Thà (thôn Tây Phước 1, xã Bình An) nói: “Tôi có 8 sào lúa đều nhờ vào nguồn nước hồ Đá Bạc thế nhưng nhiều năm qua, tôi chỉ sản xuất vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì bỏ đất hoang vì hồ cạn, không có nước tưới”.
Tương tự, ông Lê Quang Nữa (thôn Tây Phước 1, xã Bình An) cũng có 4 sào lúa, nhưng nhiều năm qua, ông Nữa chỉ sản xuất vụ đông xuân, còn vụ hè thu phải bỏ hoang. Ông cho biết: “Nhiều người chuyển sang trồng bắp nhưng trồng cây gì cũng cần nước. Chỉ đến giữa tháng 4 là hồ Đá Bạc đã cạn nên gia đình tôi chỉ còn cách bỏ ruộng để cỏ dại mọc, lấy cỏ cho trâu bò ăn”.
Ông Võ Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết: “Các hồ đập đều được xây dựng từ những năm 1980-1990, nhiều hồ đập đã hơn 40 năm sử dụng, các mái thượng lưu, hạ lưu đã bị xói mòn, sạt lở, khả năng giữ nước kém. Vụ đông xuân toàn xã có 120ha trồng lúa thì đến vụ hè thu giảm xuống còn khoảng 100ha. Địa phương đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển sang trồng bắp, đậu phộng, nhưng do nguồn nước hạn hẹp, sản lượng thu hoạch không đạt nên người dân ngại xuống giống”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong tổng số 807 công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì có 196 công trình được xây dựng từ những năm 1989 trở về trước. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khoảng 58 hồ chứa nước, hiện đang triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 11 hồ chứa nước. Mặc dù vậy, vẫn còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
So với trung bình cùng kỳ nhiều năm, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện nay cao hơn khoảng 10%, đạt dung tích chứa trên 90% đối với các hồ lớn và vừa, hiện nay chưa xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, nắng nóng gay gắt tập trung từ tháng 4 đến tháng 6, mực nước trên các sông biến đổi theo xu thế giảm dần, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong vụ hè thu là rất cao.
Dự kiến vụ hè thu có khoảng 3.100ha sản xuất nông nghiệp bị hạn, các vùng bị thiếu nước chủ yếu là vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập có quy mô nhỏ, nhất là địa bàn thị xã Đức Phổ. Đồng thời, tình trạng hạn hán khả năng có khoảng 10.900 người bị thiếu nước sinh hoạt...
Ông Võ Đoàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Để phòng, chống hạn trong vụ hè thu, các địa phương cần rà soát lại nguồn nước các công trình, ở những diện tích không đảm bảo nguồn nước phải dừng sản xuất, những nơi nào thiếu nước thì xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Không chỉ các hồ chứa nước tại xã Bình An nói riêng mà đa phần các hồ nhỏ, nước còn ít, nếu không có mưa bổ sung thì chắc chắn xảy ra thiếu nước, hạn hán”.
Trong phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2024 của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trọng tâm giải pháp là tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm… để trữ vào các ao, hồ, kênh… phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả. Điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn, áp dụng các biện pháp tưới luân phiên... Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh.
Trong trường hợp hạn hán xảy ra quy mô lớn ở các vùng sản xuất thường xuyên bị hạn, các địa phương chủ động tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn, đồng thời, chủ động đóng giếng, lắp đặt trạm bơm điện tại khu tưới để chống hạn, duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là các vùng xã Phổ Văn, Phổ Cường, Phổ An (thị xã Đức Phổ), xã Trà Phú, Trà Bình (huyện Trà Bồng)…