Người dân tổ 2, thôn Nước Lăng (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) lo lắng khi những vết nứt núi Cà Mon ngày càng dài và rộng hơn. Năm 2019, sau trận mưa lũ, núi Cà Mon đã xuất hiện những vết nứt kéo dài hàng trăm mét, hiện nay vết nứt ngày càng dài và rộng thêm, những chỗ bị sụt lún đến gần 2m.
Vị trí vết nứt núi Cà Mon (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) |
Dưới chân núi Cà Mon có khoảng 11 hộ dân, 54 nhân khẩu là người H’rê sinh sống lâu đời. Trước tình hình nứt núi Cà Mon, người dân rất lo lắng, bất an, nhiều nhà dân chỉ cách chân núi khoảng 100m.
Chính quyền địa phương khảo sát thực địa tình trạng núi Cà Mon |
Suối Nước Lăng ở dưới chân núi, vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, 11 hộ dân dưới chân núi bị cô lập, không thể di chuyển. Cảnh trên nứt núi, dưới suối lũ tràn, người dân sống vùng giữa rất lo lắng.
Mỗi mùa mưa lũ, chính quyền địa phương phải thực hiện di dời dân đến các nhà văn hóa thôn, trường học để tránh trú tạm, phòng tình trạng sạt lở núi.
Ông Nghệ rất lo lắng khi núi bị nứt |
Ông Phạm Văn Nghệ (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa) cho biết: “Núi Cà Mon bị nứt, sạt lở, chúng tôi ở đây sợ quá, ban đêm hay ban ngày cũng sợ vì không biết sạt núi lúc nào”.
Năm 2019, khi núi Cà Mon bị sạt lở, người dân nơi đây đã kiến nghị chính quyền hỗ trợ sớm di dời 11 hộ dân qua nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Suối Nước Lăng dâng cao khi mưa lũ, cuốn trôi cầu và cô lập các hộ dân |
Ông Phạm Văn Vôn, Chủ tịch UBND xã Ba Xa, cho biết: “Hàng năm vào mùa mưa, xã đã qua vận động các hộ dân đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn tính mạng vì ở trong vùng có nguy cơ sạt lở. Địa phương cũng mong muốn cấp trên đầu tư khu tái định cư để bố trí cho 25 hộ dân, trong đó ở tổ 2 có 11 hộ và tổ 1 có 14 hộ để các hộ dân có chỗ ở an toàn nhất vào mùa mưa bão sắp đến”.