Tham dự có đại diện Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Bộ TN-MT), Sở TN-MT, Sở KH-CN, Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, cùng đại diện địa phương các xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước và người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị.
Dự án nhà máy bột giấy VNT19, được khởi công năm 2015 tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn). Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha. Chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu Aquaflow của Phần Lan để thiết kế, thi công mới 100% hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì người dân không đồng tình việc chủ đầu tư là Công ty CP Bột - Giấy VNT19 đặt ống xả thải ra vùng biển vịnh Việt Thanh thuộc thôn Lệ Thủy.
Tại buổi gặp gỡ, bà Lê Thị Thủy (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) nói: “Vùng biển Bình Trị chỉ dài khoảng 5km, từ năm 2015 khi có chủ trương xây dựng Nhà máy Bột -Giấy VNT19, chủ đầu tư có nói là nước thải sau xử lý không ảnh hưởng đến môi trường thì tại sao không thải ra sông Cà Ninh hay các nơi khác mà thải ra biển, vịnh Việt Thanh? Vùng biển Bình Trị bao đời nay mang lại nguồn kinh tế, nuôi sống bao thế hệ, việc xả thải sẽ gây ảnh hưởng đời sống người dân”.
Ông Lê Nhũ (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) nêu ý kiến: “Nếu chủ đầu tư cam kết rằng nước xả thải sau xử lý không ô nhiễm thì tại sao không trữ lại rồi cho người dân tận dụng nuôi cá, tưới cho đồng ruộng vì hằng năm đều xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trong khi đó, vùng biển Bình Trị rất đẹp, có rạn san hô, cá tôm phong phú thì lại chọn là nơi xả thải”.
Đa số ý kiến của người dân đều thể hiện không đồng thuận với việc xây dựng tuyến ống và vị trí xả thải ra vịnh Việt Thanh vì lo ngại ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân.
Đại diện chủ đầu tư Công ty CP Bột - Giấy VNT19 giải thích vì sao đặt nhà máy tại xã Bình Phước và lắp hệ thống xả thải tại vùng biển thuộc xã Bình Trị. Theo chủ đầu tư, khu vực tiếp nhận vị trí xả thải tùy thuộc vào nhiều điều kiện, sức chịu tải… Vị trí sông Cà Ninh là hợp lưu nhánh sông Trà Bồng, lưu lượng nước vào mùa khô đạt 300.000m3/ngày đêm, với công suất xử lý nước thải của nhà máy dao động từ 50.000-70.000m3/ngày đêm. Như vậy tỷ lệ hòa vào sông Cà Ninh chiếm 15-20%; trong khi đó, diện tích mặt biển khu vực vịnh Việt Thanh là 950ha, lượng nước 100 triệu khối nước và với tỷ lệ xả thải sau xử lý hòa vào biển chỉ 0,01%, xét về mặt tổng thể là quá nhỏ.
Chủ đầu tư cũng cho biết, nguồn nước trước khi xả thải và sau khi xả thải đều được so sánh, dung hòa để đạt chỉ tiêu thông số môi trường. Điều này đã được các nhà khoa học đánh giá đạt quy chuẩn cho phép chỉ số môi trường, điều kiện để các loài thủy sinh hoạt động bình thường.
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết, vị trí xả thải đến thời điểm này đã được Bộ TN-MT cấp phép, đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ ĐTM, được Bộ xây dựng thẩm định về đường ống, tuyến ống trước khi xây dựng; UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép bàn giao khu vực biển và Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi cấp phép đảm bảo an toàn hàng hải… Đối với những vấn đề người dân phản ánh, địa phương ghi nhận, tiếp thu ý kiến, lưu ý, đánh giá, kiểm tra phản biện khoa học để làm sao đảm bảo môi trường, đúng quy chuẩn và tốt hơn quy chuẩn chỉ tiêu đề ra.
Ông Hiền cho biết, việc xử lý xả thải sau xử lý đã được các nhà khoa học kiểm tra đánh giá, chạy thử mô hình và nhà đầu tư cam kết thực hiện. Buổi gặp mặt trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, công khai tính pháp lý, khoa học để người dân nắm bắt. Huyện Bình Sơn tiếp tục báo cáo lên các cấp những nội dung phản ánh của người dân.