Ngã rạ hay còn gọi là giã rạ, tiếng Cor là xa a-nít, tức ăn tết hay lễ lúa lên chòi, với nhiều nét đặc thù. Nếu lễ ăn cơm mới bắt đầu cho việc thu hoạch thì lễ Ngã rạ có tính chất như tổng kết một mùa lúa, tạ ơn thần linh và là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả.
Tết Ngã rạ chỉ được tổ chức khi nào cả lúa tẻ và lúa nếp đều đã thu hoạch xong xuôi, thường vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch. Để đón tết Ngã rạ, người Cor mất hàng chục ngày để chuẩn bị, đàn ông đi bắt cá cua dưới suối, phụ nữ thì gói bánh, loại bánh lá đót gói bẻ hình tam giác gọi là bánh a-cót, bánh lá lùng gói thành hình chữ nhật gọi là bánh a-tốp…và các nghi lễ cúng diễn ra khá sớm.
Già làng Trụ Văn Hải, thôn Thọ An, cho biết: “Tết Ngã rạ được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang một vụ lúa mới tốt lành, chia sẻ với cộng đồng, khách khứa niềm vui đó, là dịp bà con quây quần, cùng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình”.
Ngoài nghi lễ Ngã rạ, xã Bình An cũng tổ chức múa cà đáo và đánh cồng chiêng, hướng dẫn tham quan nhà sàn truyền thống, tổ chức vui chơi cho người dân.
Trong những năm qua, với chủ trương khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Cor, huyện Bình Sơn đã triển khai nhiều hoạt động mời nghệ nhân dạy cồng chiêng, khôi phục trang phục truyền thống, hỗ trợ tổ chức tết Ngã rạ, đặc biệt là xây dựng nhà sàn với những hiện vật thể hiện sinh hoạt cộng đồng của người Cor.
Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện Nghị quyết 04 về phát triển du lịch của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong đó đã cố gắng dành ngân sách để đầu tư hạ tầng cho khu vực thôn Thọ An, xã Bình An. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư để tạo điểm nhấn, phát triển du lịch ở nơi đây”.
Hiện thôn Thọ An với hơn 90% dân tộc Cor, còn 34 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,7%, đời sống người dân đổi thay nhờ tổ chức sản xuất, trồng lúa nước, keo rừng và các cây nông sản.