Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra từ ngày 22-10 đến ngày 25-10, nhất là từ ngày 22-10 đến ngày 23-10, lượng mưa tại thành phố Quảng Ngãi là 532mm/24 giờ, cao kỷ lục cũ năm 2009 là 525mm/24 giờ. Nhiều khu vực sông Trà Bồng (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) cũng đạt lũ vượt xa kỷ lục năm 2009, lượng mưa 641mm/24 giờ.
Lượng mưa lớn, kéo dài liên tục đã gây thiệt hại nặng, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 11.038 nhà bị ngập, trong đó tại huyện Bình Sơn có 20 xã bị ngập trung bình khoảng 1m, trong đó các xã Bình Chương, Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Dương, Bình Trung bị ngập từ 2-2,5m…
Đa số các huyện dọc bờ sông như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ mức độ ngập khoảng 0,5-1m, riêng thành phố Quảng Ngãi ngập cục bộ tuyến đường nội thành khoảng 0,5m.
Tại bờ biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), đã sạt lở bờ biển do bão số 9 năm 2020, nhưng chưa được khắc phục, dẫn đến mưa lũ đợt này đã gây sạt lở bờ biển tiếp tục với chiều dài khoảng 2.500m, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ, 4.300 khẩu tại các thôn Châu Thuận Biển, thôn Châu Thuận Tây, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Đoạn bờ sông Trà Bồng bị sạt lở chiều dài 1.500m đoạn qua huyện Bình Sơn, sông Phước Giang sạt lở khoảng 2.300m đoạn qua huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, sông Trà Khúc bị sạt lở chiều dài khoảng 700m. Sạt lở núi tại khu vực núi Gò Deo (thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) và nhà làm việc Ban Chỉ huy Quân sự xã Trà Xinh (huyện Trà Bồng).
Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn tại tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương vẫn còn ngập, khu vực cảnh báo ngập sẽ gây nguy cơ mất an toàn. Để ứng phó tình huống này, ông Đồng cho biết, huyện Bình Sơn đã lên phương án sơ tán, di dời dân, ứng phó mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài.
Khi lũ qua, các địa phương khắc phục hậu quả ngay, trường hợp lũ sau chồng lên hậu quả lũ trước thì thiệt hại nặng hơn. Do vậy, địa phương thông tin kịp thời người dân chủ động đối phó.
Chủ động chống mưa lũ
Xóm Đồng Min (thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) luôn chịu ảnh hưởng ngập lụt do lũ trên sông Trà Bồng, do vậy, người dân xóm Đồng Min từ lâu đã có giải pháp để “sống chung với lũ”.
Ông Nguyễn Dũng (xóm Đồng Min) kể, mỗi năm, lũ trên sông Trà Bồng dâng cao đều ngập cả xóm, mức ngập từ 1-1,5m. Do vậy, người dân nơi đây có cách làm nhà để chống lũ.
“Dù là nhà ở cấp bốn, nhưng nhà ai cũng đổ nền cao hơn mặt đường, như nhà tôi, từ mặt đường đến sân cao khoảng 1,4m, từ mặt sân nhà đến nền cửa chính nhà thêm 90cm. Như vậy, nước dâng cao vẫn không ngập tới nhà chính”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, người xưa chỉ đổ đất để chống lũ khi làm nhà nhưng vẫn bị lũ cuốn xói lở đất. Về sau này, những thế hệ như ông Dũng đã làm nền nhà, nền sân cao hơn và làm xi măng kiên cố như “tường” chống lũ từ mặt đường.
Nhà bà Nguyễn Thị Thưa (xóm Đồng Min) cũng đã nâng mặt nền lên cao khoảng 1,5m, bà Thưa đang chuẩn bị tre để chằng chống mái tôn.
Bà Thưa, cho biết: “Lo sợ gió lớn nên tôi đang chằng mái tôn ở hiên nhà bằng tre và cột giữ lại. Tôi cũng dùng ni lông để bao toàn bộ giàn đang ươm cây giống, dùng chuối làm bè nhỏ cho heo có thể leo lên khi lũ dâng cao”.
Trong phương án phòng chống thiên tai huyện Trà Bồng, huyện dự trù khoảng 60.000kg gạo (30.000kg tại kho lương thực thị trấn Trà Xuân; 30.000kg gạo tại kho lương thực xã Trà Phong) để kịp thời cứu trợ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra, tại các địa phương còn dự trữ tại kho từ 1-3 tấn gạo để cứu trợ cho người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động, vận động người dân tự dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo cung cấp trong 7 ngày, các vật tư như áo phao, trang thiết bị y tế… được chuẩn bị đầy đủ.
Tại huyện đảo Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Vừa rồi, huyện đã phát lương thực hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 nên nguồn lương thực trong dân vẫn đảm bảo. Riêng tại đảo Bé có kho dự trữ khoảng 2 tấn gạo kịp thời hỗ trợ người dân trường hợp khẩn cấp xảy ra, còn tại đảo Lớn thì các đại lý đều dự trữ gạo để cung ứng cho người dân.