Theo tờ trình, dự kiến đối tượng áp dụng chính là chủ tàu có tàu cá lớn nhất từ 6m trở lên thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi.
Các chủ tàu sẽ được chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác.
Các tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên nhưng khai thác kém hiệu quả được chuyển đổi nghề để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ chuyển từ nghề khai thác thủy sản sang nghề ngoài lĩnh vực khác, đến năm 2023 có khoảng 150 tàu hoạt động vùng biển ven bờ, vùng lộng có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 15m chuyển sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, các nghề địa phương có định hướng phát triển… Tổng kinh phí thực hiện khoảng 11,3 tỷ đồng bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho chủ tàu cá.
Thực hiện chuyển đổi 400 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên hoạt động vùng khơi, vùng lộng mua ngư cụ, trang thiết bị, cải hoán tàu cá chuyển đổi sang các nghề lồng bẫy, chụp, câu, dịch vụ hậu cần. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 44 tỷ đồng bằng phương thức nhà nước hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho chủ tàu.
Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2023- 2030 là 55,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề 53,5 tỷ đồng; kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân 1,8 tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản là cần thiết để giảm dần cường độ khai thác, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, phù hợp. Cũng theo sở này, nếu được UBND tỉnh đồng ý, tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết này sẽ được đưa ra trong kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.