Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, Sở NN-PTNT và Sở VH-TT-DL tổ chức chuyến khảo sát thực tế mở đầu tiếp cận và tiến đến thực hiện dự án tại các địa điểm: Gành Yến; Rừng cóc trắng Bàu Cá Cái; Rừng dừa nước...
Dự án được khởi công và thực hiện trong 24 tháng, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ. Mục tiêu góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa.
Tại lễ khởi động, ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Một trong những kết quả hướng đến của dự án là cộng đồng tham gia kết nối hoạt động du lịch học tập các điểm Bàu Cá cái - Gành Yến – Rừng Dừa nước - Châu Ổ với mạng lưới Lý Sơn, Sa Huỳnh, TP Quảng Ngãi. Thông qua đó sẽ đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm học tập, tập hợp đông đảo sinh viên trẻ, trí thức trẻ trên cả nước tham gia xây dựng huyện Bình Sơn”.
Chuyên gia tư vấn dự án, PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng, cho biết: “Kết quả những nghiên cứu gần đây cho thấy Bình Sơn có sự hiện diện của hệ sinh thái rừng dừa nước ở xã Bình Phước và hệ sinh thái rừng cóc trắng ở xã Bình Thuận, cũng như bãi đá lộ thiên địa chất hàng triệu năm tuổi được hình thành từ phun trào núi lửa, kèm với các sinh cảnh rạn san hô, thảm cỏ biển tạo sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng nguồn lợi ở xã Bình Hải”.
Ông Minh nhấn mạnh, một trong những cân bằng lâu bền và hiệu quả nhất là hài hòa giữa mối quan hệ bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy văn hóa truyền thống, sinh kế địa phương và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng tham gia góp ý quy chế quản lý không gian biển và ven bờ Bình Sơn, bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa, chung tay góp phần phát triển bền vững địa phương.
Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hồi tháng 4-2022, Chi cục đã thả hơn 500.000 tôm sú, 6.000 cua xanh và 5.000 cá đối xuống khu vực mặt nước thuộc Bàu Cá Cái nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mỗi năm, ngành thủy sản tỉnh đều tổ chức các đợt thả cá, tôm, cua ở nhiều khu vực sông, hồ, biển để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các loài cá có giá trị kinh tế cao tại Bàu Cá Cái có thể thu nguồn lợi này. Do vậy, khi tổ chức cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi tại đây cần lưu ý phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi rừng ngập mặn nơi đây, từ đó phát triển kinh tế cộng đồng.
TS. Chu Mạnh Trinh, chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn, cho biết: “Trong 2 năm triển khai dự án, người dân địa phương tiếp tục nỗ lực phát triển, tăng cường năng lực cộng đồng sử dụng một cách văn minh nguồn tài nguyên bằng cách tiếp quản và phát triển nguồn tài nguyên tại địa phương. Từ dự án Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa sẽ mở rộng phát triển nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi”.
Thông qua dự án này, cộng đồng địa phương các xã, thị trấn đặc biệt là các thôn tham gia trực tiếp thực hiện các mô hình dự án được hưởng lợi từ các hoạt động dự án, tiếp cận học tập các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật thông qua hỗ trợ đào tạo huấn luyện, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ do Chương trình Phát triển LHQ thực hiện từ năm 1992 tại 125 nước nhằm hỗ trợ các hành động cấp cơ sở góp phần giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. SGP hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trực tiếp cho các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng với khoản tài trợ tối đa 50.000USD. Tại Việt Nam từ năm 1999 đã triển khai với hơn 150 dự án tại 40 tỉnh thành.