Theo chỉ thị, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước tại khu vực các tỉnh phía Bắc, trong đó vụ việc sập đổ cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), sạt lở trên các tuyến giao thông và lũ quét đã làm nhiều người chết, mất tích.
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian đến rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do vậy, để chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở GTVT, Sở NN-PTNT, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm. Quan tâm đến việc kiểm tra đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới móng, trụ cầu, bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác, vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các cầu đang hạn chế tải trọng.
Được biết, thời gian qua, người dân tỉnh Quảng Ngãi lưu thông qua cầu Trà Khúc 1 rất bất an trước tình trạng cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Trà Khúc 1 (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng từ năm 1964 với kết cấu dầm thép liên hợp, dài 643m, bề rộng mặt cầu 7,5m; vỉa hè khoảng 0,5m. Đây cũng là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Trà Khúc.
Sau 60 năm sử dụng, cầu Trà Khúc 1 xuống cấp, người dân lưu thông qua cầu rất lo lắng nhất là sau sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ).
Trước tình trạng cầu Trà Khúc 1 xuống cấp, phương án làm cầu mới thay thế đã được chính quyền Quảng Ngãi tính đến, dự án cũng đã được HĐND thông qua. Thế nhưng, do nguồn vốn gặp khó khăn nên dự án có mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng này thay vì dự kiến khởi công trong quý III/2024 đã phải bị đề xuất dời sang giai đoạn 2026-2030.