Ông Bùi Văn Vũ (thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu) có 700m2 đất lúa nhưng không thể canh tác được. Ông nói: “Nước mặn xâm nhập từ cửa biển Sa Kỳ vào sâu trong đất liền, cây lúa gieo sạ xuống gặp nước mặn thì chết, có vụ Đông Xuân nhờ nước trời, đắp bờ ngăn mặn, đến khi thu hoạch thì lúa bị lép hạt”.
Bà Võ Thị Lê (thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu) có 750m2 đất cũng đã bỏ hoang, bà nói: “Nước mặn xâm nhập, không có đường thoát nước, nước thạch nham cũng không về, người dân chuyển đổi qua trồng hoa màu cũng không hiệu quả”.
Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, hơn 60ha diện tích ruộng phải bỏ hoang suốt từ những năm 1999-2000 do nhiễm mặn và nước thạch nham không đến được. “Xâm nhập mặn từ cửa biển Sa Kỳ vào đất liền, thời gian dài khiến đất ngậm nước mặn lâu nên không thể xử lý bằng ngăn mặn được. Địa phương mong muốn các cấp, các ngành của tỉnh có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp”.