Bà Trần Thị Kỳ (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) lo lắng cho con bê con vừa mới 2 tháng đã mắc bệnh viêm da nổi cục. Mỗi ngày đều bôi thuốc, vệ sinh mũi bê con nhưng vẫn không khỏi.
Bà Kỳ nói: “Bệnh viêm da nổi cục khiến mũi con bê không còn nguyên vẹn, lông da lở hết, ăn uống không được. Tôi chỉ trông vào mấy con bò, trâu làm kinh tế, nuôi được 5 con thì 1 con vừa chết đã tiêu hủy, còn con bê con này đang bệnh”. Trung bình con bê có giá đến 12 triệu đồng, do vậy, bà Kỳ cố gắng bằng nhiều cách chữa trị cho con bê.
Gia đình bà Kỳ là một trong số nhiều hộ có trâu, bò chết do viêm da nổi cục, ghi nhận đến ngày 17-8, bệnh viêm da nổi cục tại huyện Tư Nghĩa đã xảy ra 13/14 xã, thị trấn, nhiều xã có dịch trên 100% thôn, tổng số trâu, bò bị bệnh 670 con, chết 35 con.
Ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, nói: “Huyện đã chỉ đạo và thực hiện công tác khử trùng ổ dịch, tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục, đến nay đã tiêm phòng 4.000 liều vaccine Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ cho 5 xã, thị trấn. Vaccine đã cho thấy hiệu quả rất tốt trong phòng, chống dịch viêm da nổi cục, kể từ ngày thực hiện tiêm vaccine đến nay chưa có ca bệnh từ trâu, bò đã tiêm phòng”.
Hiện tại huyện Tư Nghĩa chỉ mới tiêm 4.000 liều, đáp ứng 24,2% nhu cầu vì thiếu nguồn kinh phí để mua vaccine. Nhu cầu thực tế, tổng đàn trâu, bò huyện Tư Nghĩa là 24.705 con; số trâu, bò nằm trong diện tiêm phòng là gần 16.500 con.
Tổng số vaccine tỉnh Quảng Ngãi đã mua là 112.678 liều và một số người chăn nuôi tự mua là 12.453 liều, đến cuối tháng 7, tỷ lệ tiêm phòng mới đạt 36%, còn thiếu 180.000 liều để đạt tỷ lệ 90% theo Chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đối với phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Một trong nhiều nguyên nhân khó khăn là hầu hết trâu, bò của hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, bình quân mỗi hộ từ 2-3 con, chuồng trại đơn giản, mặc dù bệnh viêm da nổi cục đã có vaccine rất hiệu quả nhưng đây là vaccine nhập khẩu, giá thành bán lẻ rất cao (40.000 đồng/liều), quy cách 25 liều/lọ, nên mua 1 lọ vaccine phải tốn 1 triệu đồng, vì vậy, người chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó khăn trong việc tự mua vaccine cho gia súc.
Mặc khác, khi đã có nguồn vaccine cấp về nhưng nhiều xã không còn nhân viên thú y, đến thời điểm cuối năm 2020 toàn tỉnh chỉ còn 58 người.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết về bệnh viêm da nổi cục. Người dân khi phát hiện phải báo cáo chính quyền địa phương để kịp thời cách ly, xử lý, điều trị, tránh để lây lan dịch. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bước vào mùa mưa nên dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhiều nếu không kiểm soát tốt.
Đối với nguồn vaccine phòng viêm da nổi cục, ông Nguyễn Quang Trung cho rằng: “Trước hết Phòng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo các hội, đoàn thể cùng tham gia cũng như huy động nguồn xã hội hóa tiến hành phun thuốc, khử khuẩn, tiêm phòng. Khẩn trương mua vaccine và thuốc để xử lý bằng các nguồn của huyện, xã hội hóa và dân cùng tham gia để dập dịch viêm da nổi cục”.