Nhiều năm gắn bó với cây hành tím, thế nhưng gia đình ông Nguyễn Nga (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) chưa khi nào lo lắng như vụ hành năm nay.
Ông nói: “Nhà tôi làm 5 sào hành tím, 500kg giống, khi cây hành vừa được 20 ngày thì xuất hiện tình trạng vàng lá, thối rễ. Tôi đã dùng bẫy ánh sáng để tiêu diệt bướm đêm, phun thuốc trừ sâu nhưng vẫn không hiệu quả, toàn bộ hành bị thiệt hại, tôi phải nhổ bỏ cả ruộng hành và lỗ nặng nề”.
Nhiều người dân đã khoanh ruộng bằng trải bạt nhựa đen, chong đèn bắt bướm, rắc nhớt xe máy để sâu dính vào nhưng không hữu hiệu, sâu vẫn phá hành, ăn mòn lá.
Ông Phạm Cành (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) trồng 3,5 sào hành, cây vừa lên 35 ngày thì sâu bệnh hại phá toàn bộ, đồng ruộng cây hành chết trắng. Ông Cành nhổ cây hành đã khô vì sâu bệnh, những củ hành đang giai đoạn phát triển, chỉ còn 15 ngày nữa là thu hoạch, đến giờ này lại mất trắng. Ông nói: “Bây giờ nhổ non lên, đem về bán bán rẻ để xuống giống làm lại vụ mới”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) đầu tư 6 sào hành tím, 8 tạ giống, thiệt hại hoàn toàn. Bà cho biết: “Sâu cắn phá hư hết, dù nhà tôi đã trải bạt nhựa để sâu ở ruộng dưới không lên phá ruộng trên nhưng vẫn không được. Nhà tôi đầu tư cả giống, thuốc, phân bón hết hơn 50 triệu đồng, không tính công và cả điện thắp”.
UBND xã Bình Hải đã tiến hành điều tra thực tế và đưa ra nhiều nguyên nhân, như: đất trồng hành liên tục từ năm này sang năm khác; thời tiết nắng mưa xen kẽ; nhiệt độ cao nên thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại; nông dân bón phân chưa cân đối, nhất là thừa phân đạm...
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Vừa rồi, xã đã triển khai tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng và tuyên truyền cho nông dân, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ đất trống từ 1 tháng đến hết vụ để giảm tình trạng sâu bệnh hại gây ra trên cây hành”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, tình hình sâu bệnh hại trên cây hành tại xã Bình Hải thiệt hại rất nặng, bình quân mỗi cây hành có 1-2 con sâu, nhiều nhất là 6-7 con/cây. Chi cục cũng đưa ra biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Có 4 phương pháp là ngắt bỏ sâu, trứng sâu bằng thủ công, dùng các biện pháp bẫy sinh học, sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học thay các thuốc hóa học và chăm sóc cây trồng.
Trong đó, đối với phương pháp dùng biện pháp sinh học, nông dân có thể sử dụng bẫy sinh học như pha đường, dấm, rượu, nước, tiến hành ủ lên men để thu hút bướm, sâu gây hại. Quá trình phun thuốc nguồn gốc sinh học cần sử dụng đúng thuốc, phun đúng lúc sâu còn nhỏ, phun đúng kỹ thuật, đúng liều lượng.