Tàu cá QNg-98479TS của ngư dân Trần Lỳ (tổ dân phố Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) không thể xuất bến khiến ông lo lắng những ngày qua.
Ông Lỳ nói: “Sau tết các ngư dân các tỉnh bạn đã ra khơi mà tàu tôi vẫn chưa nhúc nhích ra khỏi cảng được”. Con tàu dài 18m chỉ cách đáy nước có hơn 1m, ông Lỳ đang chờ thủy triều lên hơn 2,5m thì mới cho tàu chạy ra cửa biển.
“Mùa này nước lớn thường vào chiều tối mới đi được nhưng đã mấy ngày nay cát bồi lấp so với mực nước mạn thuyền, nếu chần chừ đến 20 tháng Giêng thì lúc này các đợt thủy triều nhỏ dần sẽ không đi được nữa”, ông Lỳ sốt ruột.
Khu vực cảng cá Sa Huỳnh có cửa biển ở phía Nam gần như lối “độc đạo” ra biển được bao quanh kè chắn sóng.
Ông Mai Quang Tuấn, chủ tàu QNg-94762TS (tổ dân phố Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết: “Mấy năm trước, từ mùng 10, 12 tháng Giêng, tàu tôi đã xuất bến, nhưng năm nay lại phải nằm bờ. Tàu đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, lao động và dầu để ra biển nhưng giờ vẫn phải chờ nước lên”.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, cho biết: “Cảng cá Sa Huỳnh được quy hoạch neo đậu hơn 1.200 tàu, thế nhưng thực tế thường xuyên có mặt tại cảng chỉ có hơn 300 tàu. Do luồng lạch bồi lấp nên sau tết các tàu cá ở cảng gặp khó khăn trong xuất bến”. Theo ông Lượng, vì nguyên nhân này mà các tàu lớn của ngư dân địa phương phải neo đậu tại các tỉnh bạn để thuận lợi cho việc ra vào bến. Điều này khiến ngư dân tốn công sức phải di chuyển từ quê đến các tỉnh bạn để cho tàu ra khơi. Riêng các tàu cá neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh, chủ yếu là các tàu hành nghề gần bờ, công suất nhỏ nhưng do bồi lấp nên việc ra vào cửa biển rất khó khăn.
Trước tình trạng đó, phường Phổ Thạnh đã kiến nghị nạo vét thông luồng để đảm bảo tàu cá ra khơi đánh bắt đầu năm.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã Đức Phổ tích cực phối hợp với Sở NN-PTNT khảo sát, lựa chọn vị trí đổ thải từ nạo vét luồng ra vào để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ về đánh giá tác động môi trường của dự án.