Các nhà dân dưới chân núi Đoot Xà Lăn lo lắng khi phía trên núi có những tảng đá to nằm lởm chởm, phía dưới có con suối chảy xiết. Mỗi lần bão lũ, nước từ thượng nguồn đổ xuống suối như “vỡ trận”. Ông Hồ Văn Khương (tổ 1, thôn Kà Tinh) nói: “Nhà tôi chỉ có vợ chồng già, đến mùa mưa lại thấp thỏm vì núi lở bất cứ lúc nào, tôi sợ nhất là cảnh nước suối đổ xuống khi có lũ quét qua. Năm nào các cán bộ cũng lên đây dẫn gia đình tôi dời đến điểm trường ở cùng thôn”.
Nhà chị Hồ Thị Trang (tổ 1, thôn Kà Tinh) có 5 người, mỗi lần bão lũ, cả gia đình dắt nhau qua điểm trường thôn để tránh trú. “Người dân mong muốn di dời đến nơi ở mới. Có một vài hộ sát chân núi đã tự chuyển nhà đi để tránh sạt lở”.
Trong 31 hộ tổ 1, đa số tự di dời vì người dân thấy nguy hiểm, tuy nhiên người dân chỉ di dời trong phạm vi tổ 1, do vậy không tránh khỏi rủi ro nếu xảy ra sạt lở.
Ông Ninh nói: “UBND xã thường xuyên khảo sát các khu vực nguy cơ sạt lở, hướng dẫn người dân và đưa người dân di chuyển đến các nơi an toàn như trụ sở ủy ban, trường học, nhà văn hóa để tránh trú”.
Còn tại xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng), bão số 5 vừa qua, sạt lở núi làm tuyến đường đi thôn 1 và thôn 4 vùi lấp, khoảng 1.500m3 đất đá đổ xuống, chia cắt giao thông, ảnh hưởng hơn 150 hộ dân cả 2 thôn.
Huyện Trà Bồng có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi khối núi, sông suối chằng chịt trong các thung lũng nhỏ hẹp, núi ở đây có độ dốc rất lớn. Các khu vực đều có nguy cơ sạt lở, đặc biệt tại các xã Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Bùi, Trà Xinh, Trà Thanh, Trà Tây, Hương Trà, Sơn Trà, Trà Phong…
Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Bồng cho biết: “Phương án trước mắt là di dời dân khi có bão lũ, các địa phương trưng dụng các công trình kiên cố như ủy ban, trường học, nhà văn hóa,… để đưa người dân đến tránh trú an toàn”.
Huyện Trà Bồng đã lên kế hoạch di dời, sơ tán dân khi có sạt lở đất, sạt lở bờ sông vừa phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, toàn huyện có 46 điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở đất, huyện lên phương án tổ chức xen ghép tại chỗ 216 hộ, 941 nhân khẩu, sơ tán tập trung 917 hộ, 3.761 nhân khẩu đến các nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng có 152 công trình kiên cố với sức chứa khoảng 20.831 người dân sơ tán đến ở khi có thiên tai xảy ra, xen ghép tại chỗ.
Về lâu dài huyện đã đề xuất tái định cư 15 khu dân cư, bà Thúy cho biết: “Huyện bước đầu đề xuất các cấp, ngành, tuy nhiên việc tái định cư cần có nguồn hỗ trợ từ các chương trình, mặc dù huyện sẽ nổ lực linh động các phương án như lồng ghép chương trình dành cho vùng DTTS, tái định cư các vùng nguy cơ sạt lở… để nhanh chóng ổn định đời sống người dân”.
Mưa lũ năm 2020 vừa qua, các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long thường xuyên xảy ra sạt lở, trong đó có 5 điểm đã xảy ra sạt lở gây thiệt hại tài sản và có 24 điểm có nguy cơ sạt lở cao cần được ưu tiên.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có đề xuất Bộ NN-PTNT trong đó sắp xếp ưu tiên các danh mục đề án đề xuất thực hiện như di dân tổng thể ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao và quy hoạch bố trí khu trung tâm xã Ba Giang (huyện Ba Tơ) phòng tránh thiên tai; khu tái định cư xóm Sa Lung (thôn Cây Muối, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ); dự án khu dân cư thôn 1 (xã Trà Giang, huyện Trà Bồng); di dời dân khu dân cư Đắk Rổ, thôn Ra Nhun (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây); di dời dân khu dân cư Nước Toa (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây); di dời dân khu dân cư Đắk Dép (thôn Hà Lên, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây) và khu tái định cư Cà La (xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng).
Theo quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2020, tổng số hộ cần bố trí sắp xếp để ổn định dân cư là 14.204 hộ, 56.816 nhân khẩu, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai là 11.313 hộ, 45.252 nhân khẩu.
Ông Vũ Việt Thanh, Trưởng phòng PTNT, Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay để thực hiện Chương trình bố trí dân cư chính là nguồn vốn đầu tư cho các chương trình này quá ít. Do đó, việc thực hiện bố trí dân cư cho người dân các vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế”.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có kiến nghị, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp kinh tế hằng năm để hỗ trợ các hộ dân, xây dựng các dự án tái định cư đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong quy hoạch.