Ông Đặng Hấn ở thôn An Vĩnh cho biết: “Nhà tôi có 1.000m2 đất ven biển chủ yếu để trồng dương liễu ngăn xâm thực nhưng hiện giờ chỉ còn có 450m2 đất, toàn bộ rừng dương liễu bị triều cường cuốn trôi. Chính quyền cần có giải pháp để hạn chế sạt lở, nếu không nhà tôi ở trên đồi núi cách điểm sạt lở chỉ 10m, nguy cơ cuốn sập”.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Trưởng thôn An Vĩnh cho biết: “Nguyên nhân sạt lở sườn núi An Vĩnh là do mưa, bão, sóng biển, triều cường hằng năm. Mới đây, chỉ sau vài cơn mưa đã xảy ra tình trạng trượt đất, mưa làm đất mềm đổ sạt từ trên đồi núi xuống, người dân xung quanh rất bất an”.
Theo ông Thanh, có khoảng 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao gần với khu vực đã sạt lở núi và gần 100 hộ dân nằm trong diện nguy cơ ảnh hưởng. Nếu không khắc phục kịp thời, về lâu dài khu vực này tiếp tục bị sạt lở diện rộng, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở của các hộ lân cận trong khoảng cách 100m.
Thực tế, đồi núi An Vĩnh đã xảy ra sạt lở chiều dài sạt lở hơn 200m, ăn sâu vào hơn 30m, khối lượng đất sạt lở hơn 1.000m3 và đang tiếp tục có dấu hiệu sạt lở xâm lấn. Điểm sạt lở này nằm cách danh thắng Thạch Ky Điếu Tẩu khoảng 150m và gần khu vực đất quốc phòng.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Vừa qua, đoàn kiểm tra Sở NN-PTNT tỉnh đã đến kiểm tra thực tế và cũng có đề xuất trình UBND tỉnh xem xét bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trước mắt, khi chưa thực hiện đầu tư, khi có diễn biến thời tiết nguy hiểm, bão lũ thì địa phương khuyến cáo người dân khu vực gần đồi núi sạt lở và thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, nhưng về lâu dài thì vẫn có biện pháp đầu tư kè chống sạt lở”.