Quảng Ngãi: Giải quyết ô nhiễm môi trường bằng nuôi hải sâm ghép

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước do quá trình nuôi tôm, ốc hương tại các xã ven biển, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình nuôi hải sâm ghép ốc hương. Từ đó giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng và tăng thu nhập cho người dân.

Huyện Mộ Đức có khoảng 110,4ha diện tích đang nuôi tôm; trong đó có 50ha nuôi ốc hương, tôm ghép với hải sâm. Từ trước đến nay, người nuôi tôm, ốc hương chưa chú trọng đến việc giải quyết ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch.

Hải sâm được ví như “nhà máy vệ sinh của biển”, đồng thời loài có giá trị kinh tế cao, mặc dù chỉ mới bước đầu nuôi tại vùng ven biển nhưng đã mang lại hiệu quả cho người nuôi.

Anh Lê Châu (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) là người nuôi đầu tiên trên địa bàn huyện triển khai mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm (ảnh). Với diện tích 4.000m², với hơn 1 triệu con giống ốc hương và 2.500 con hải sâm ban đầu, anh Châu đã đạt hơn 4 triệu con, kể cả ốc hương và hải sâm, sau 5 tháng.

 Việc nuôi hải sâm ghép ốc hương đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, ốc hương phát triển rất tốt, không có dấu hiệu bệnh xảy ra. Hải sâm sẽ lọc cặn bã hữu cơ được thải ra từ thức ăn dư thừa của ốc hương, cải tạo môi trường sống cho ốc hương. Ước tính giá trị thu hoạch ốc hương theo giá thị trường 200.000 đồng/kg, hải sâm khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, anh Châu thu lãi ròng 500 triệu đồng/vụ nuôi.


Bà Nguyễn Thị Tường Mai, Phó phòng NN-PTNT huyện Mộ Đức, cho biết: Công ty TNHH Hải sâm Việt Nam vừa khảo sát, lập dự án đầu tư sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến hải sâm kết hợp du lịch trải nghiệm, sinh thái và văn hóa. Qua đó, hỗ trợ kỹ thuật, giống, đưa hải sâm nuôi ghép các đối tượng khác, tăng thu nhập cho các hộ nuôi.

Tin cùng chuyên mục