Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) giá cau đang được thương lái thu mua từ 45.000 - 48.000 đồng/kg, mức giá này tương đối cao so với trung bình các năm. Cây cau đã thực sự mang lại thu nhập khá cho người dân tại địa phương. Hàng trăm hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Có những hộ thu từ 500 triệu đồng/năm đến hơn 1 tỷ đồng/năm như: hộ ông Đinh Văn Hanh, Đinh Văn Min, Đinh Văn Yên, Đinh Văn Buông, Đinh Văn Veo (xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây); Đinh Văn Chút, Đinh Văn Châm; Đinh Văn Khôn, Đinh Thị Pon, Đinh Văn Điếu (xã Sơn Long); Đinh Văn Tơn, Đinh Văn Trong, Đinh Văn Do, Đinh Văn Sáu (xã Sơn Dung)…
Huyện Sơn Tây được mệnh danh là “xứ ngàn cau” với diện tích hơn 1.022ha. Một số xã có diện tích lớn như xã Sơn Dung có diện tích trồng cau đến 324,98ha, xã Sơn Long có 146,52ha, xã Sơn Tân có 150,31ha… Cây cau là cây trồng truyền thống của người Ca Dong sinh sống tại huyện Sơn Tây nên hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều có trồng cau, trong đó có hơn 600 hộ có số lượng cây trồng từ 1.000 cây trở lên.
Ngoài sản lượng cau tươi cung cấp trực tiếp cho việc sử dụng tiêu dùng trong nước, phần lớn cau được thu mua tập trung cho chế biến xuất khẩu. Từ năm 2016 đến nay thị trường xuất khẩu cau được mở rộng đến nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… nên giá cau luôn ổn định và có xu hướng tăng, đỉnh điểm năm 2021 lên đến 60.000 đồng/kg.
Trên địa bàn huyện hiện có 16 cơ sở chế biến cau, với tổng công suất thiết kế khoảng 8.000 tấn/vụ, đa số các chủ cơ sở đều cho biết nguồn nguyên liệu cau tươi thu mua được tại địa bàn Sơn Tây chỉ đáp ứng khoảng 65% công suất. Cau sau khi sấy được phân loại sản phẩm, đóng gói, xuất cho đại lý hoặc xuất khẩu thẳng sang thị trường Trung Quốc, Ấn độ, Đài Loan... Các cơ sở chế biến này đã giải quyết việc làm theo mùa vụ cho khoảng 120 lao động với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Huyện Sơn Tây xác định cau là cây trồng truyền thống, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương và cho thu nhập cao, giúp người dân thoát nghèo. Huyện Sơn Tây đã có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cây cau ổn định, từ năm 2019 – 2020 đã hỗ trợ cho 508 hộ trồng mới trên 300ha.
Trong thời gian tới, huyện Sơn Tây tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích cau ở những khu vực có điều kiện đất đai phù hợp, thay thế dần diện tích keo, phấn đấu đến năm 2025 hình thành vùng nguyên liệu cau phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 2.000ha. Đồng thời thực hiện xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sau thu hoạch.