Quảng Ngãi: Đầu năm, tàu cá lo thiếu lao động biển

Mở biển vào đầu năm, các chủ tàu tại Quảng Ngãi đã chuẩn bị đủ điều kiện để vươn khơi thế nhưng đây cũng là thời điểm khó khăn nhất trong tìm lao động đi biển.

Theo niềm tin của ngư dân, “mở biển” là chuyến biển quan trọng đầu năm với hy vọng bội thu tôm cá, tuy nhiên để có thể xuất phát ra khơi với đầy đủ các thuyền viên cho chuyến tàu cá, các chủ tàu đã phải tìm lao động đi biển từ cách đây vài tháng.

Ông Võ Văn Hân (50 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg-90625 TS, công suất 500CV, cho biết: “Chuyến biển đầu năm rất quan trọng, để khởi đầu thành công thì phải có những bạn tàu sung sức, vì thế, tôi đã sắp xếp bạn tàu từ vài tháng trước Tết Nguyên đán. Rất mừng là tàu tôi xuất bến đủ 12 thuyền viên đi Hoàng Sa đánh bắt”.

Để tránh tình trạng “nhảy tàu”, ông Hân cũng ứng tiền trước để “đặt cọc” giữ chân bạn tàu. Đồng thời, phí tổn cho chuyến biển cũng do chủ tàu chịu hoàn toàn. Ông cho biết: “Tàu hành nghề lưới vây, thông thường mỗi chuyến tàu chuẩn bị đá lạnh, xăng dầu, đồ ăn,… từ 100-120 triệu/chuyến, dù đã ứng trước cho bạn tàu nhưng trước khi xuất bến phải liên tục gọi điện thoại và đến nhà để đảm bảo tàu xuất bến đủ lao động biển”.

Ông Hân cho biết: “Đầu năm, chủ tàu muốn xuất bến phải chuẩn bị đủ lao động, thông thường, những tàu trong năm qua đi về không đạt sản lượng, thu nhập thấp thì bạn tàu thường không tiếp tục gắn bó mà nhảy sang các tàu khác, do vậy, để giữ chân các lao động, không chỉ đặt cọc mà còn phải cải hoán, nâng công suất, tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập thì lao động mới bám biển dài ngày với tàu”.

ra-khoi-1-8104.jpg
Tàu cá chuẩn bị đá lạnh dưới hầm bảo quản để tàu xuất bến đầu năm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một số tàu không tìm được lao động tại địa phương, các chủ tàu phải tìm kiếm lao động ở các tỉnh ngoài như Nha Trang, Bình Định,…

Ông Bùi Văn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chủ tàu QNg-90960 TS, cho biết: “Do thiếu lao động nên tàu tôi cũng kiếm lao động biển ở Nha Trang để đi cùng, cách 1-2 ngày khi tàu xuất bến thì họ đi xe ra Quảng Ngãi để lên tàu đi với mình. Để đủ lao động, tôi cũng cọc với họ từ 5-10 triệu/người mới đủ 12 thuyền viên đi Trường Sa chuyến này”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Toàn xã có khoảng 495 tàu thuyền với khoảng 1.700 lao động, trong đó trên 200 tàu đánh bắt xa bờ. Đầu năm, để đảm bảo số lượng lao động biển thì các chủ tàu phải tìm kiếm cả bạn tàu ngoài địa phương như các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… vì lượng lao động tại địa phương không đủ”.

tau-tiep-da-ra-khoi-binh-chau-2-5583.jpg
Ngư dân tiếp đá lên tàu chuẩn bị cho chuyến biển. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các chủ tàu chuẩn bị sửa soạn tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ để mở biển đầu năm mới, với kỳ vọng một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng và đánh bắt được tôm cá đầy khoang.

Qua theo dõi của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 ngày Mùng 6, Mùng 9 tết, trên toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng hơn 130 tàu cá xuất bến để tham gia khai thác ở trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chủ tàu đã chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm nhưng do thiếu lao động khai thác thủy sản nên hiện nay vẫn chưa thể ra khơi được, nhất là đối với tàu cá xa bờ và các nghề cần lực lượng lao động nhiều như lưới vây, lưới rê, câu vàng…

Theo ông Mười, nguyên nhân chủ yếu thiếu lao động nghề biển là do điều kiện làm việc khó khăn, vất vả nhưng thu nhập không cao. Một số lao động làm biển chuyển qua làm công ty, xí nghiệp, một số lao động không muốn tham gia chuyến biển dài ngày,…

1707098506735-5678.jpg
Ngư dân mở biển mong muốn tàu về đầy ắp cá tôm để ngư dân có nguồn thu nhập khá và giữ nghề biển truyền thống. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Riêng đối 2 ngành nghề là nghề lưới kéo và nghề lặn, ông Mười cho biết, từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tạm dừng việc phát triển tàu cá đối với 2 nghề này.

Tin cùng chuyên mục