Quảng Ngãi đặt mục tiêu xuất khẩu sắn đạt 150-180 triệu USD

Mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi là đến năm 2030, sản lượng sắn (còn gọi khoai mì) đạt 250.000-300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 150-180 triệu USD.

Ngày 11-6, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn (khoai mì) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

DSC_3921 (1).JPG
Người dân xuống giống trồng vụ sắn mới

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả tỉnh đạt khoảng 250.000-300.000 tấn, đảm bảo cung cấp nguyên liệu để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol...).

Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40%- 50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 150-180 triệu USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Quảng Ngãi tiếp tục phát triển bền vững, 70%-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến một số sản phẩm (tinh bột, etanol...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 180-200 triệu USD.

DSC_3884.JPG
Cây sắn trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhất là tại vùng miền núi

Về định hướng phát triển sản xuất, đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả tỉnh khoảng 12.000-14.000ha, sản lượng củ tươi đạt 250.000-300.000 tấn định hướng phân bố tại 2 vùng trọng điểm. Trong đó, vùng miền núi, diện tích trồng đạt 9.000-10.000ha, tập trung tại các huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ...; vùng đồng bằng, diện tích trồng đạt 3.000-4.000ha, tập trung tại các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành...

Định hướng phát triển chế biến sắn, đến năm 2030, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn (tinh bột, etanol...).

Tin cùng chuyên mục