Bình Châu có miệng núi lửa cổ rộng 30m2 ở thắng cảnh Ba Làng An, đây là di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới, bên trong dấu tích miệng núi lửa cổ chứa đầy rong rêu, cỏ. Các nhà khoa học nhận định miệng núi lửa cổ này có niên đại sớm nhất khoảng 11 triệu năm.
Trong suốt giai đoạn từ 1999 đến nay, hàng ngàn cổ vật được phát hiện từ những con tàu đắm tại khu vực biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Chẳng hạn vào năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm. Dấu tích khai quật cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên, có đồng tiền muộn nhất ở niên đại 1264-1295. Năm 2014 cũng phát hiện 1 tàu cổ đắm, các hiện vật bị vỡ gồm tô, bát, đĩa có niên đại đầu thế kỷ 17…. nên nơi đây được ví như một “nghĩa địa tàu đắm”.
Đặc biệt, thôn Châu Thuận Biển cũng được ví là “làng chài cổ vật” độc nhất vô nhị ở miền Trung bởi ngư dân làng này sở hữu nhiều cổ vật như chén, đĩa… từ những con tàu cổ đắm.
Trong hội nghị triển khai dự án “Xây dựng sản phẩm, tập huấn chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh” do Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND xã Bình Châu, Công ty TNHH SUNGCO diễn ra vào 10-9, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Vùng đất Bình Châu rất nổi tiếng trong bản đồ của các giáo sĩ phương Tây vẽ đường hàng hải quốc tế với tên Ba Tân Gân và mũi Ba Tân Gân (ngày nay là mũi Ba Làng An)”.
“Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Bình Châu có truyền thống đi biển từ rất sớm, điển hình là khi chúng tôi khai quật và tìm thấy dấu tích cư trú, mộ táng và nhiều đồ gốm, đồng, sắt,… tại di chỉ Suối Chình và Xóm Ốc của huyện đảo Lý Sơn, cho thấy cư dân Bình Châu đã đi thuyền ra đảo và tiến ra khơi xa từ rất sớm. Như vậy, con đường đến với văn hóa Sa Huỳnh chính là xuất phát cư dân Bình Châu và đến nay, ngư dân vẫn nối tiếp truyền thống đi biển, bám biển. Mới đây, di tích địa điểm cư trú và mộ táng Sa Huỳnh tại xã Bình Châu được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 20ha”, TS Khôi cho biết.
Bình Châu có đầy đủ các điều kiện tự nhiên địa chất, di sản, văn hóa, lịch sử, vậy cần có giải pháp để quản lý bảo vệ, vận hành, phát triển nơi này. TS Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, trước hết, địa phương cần phải có ban quản lý di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh của xã Bình Châu và xác định bảo tồn giá trị di sản gắn liền với giá trị nhân văn con người trong di sản đó.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết: “Bình Châu có đủ tiềm năng giá trị du lịch lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; tuy nhiên, trong thời gian qua, địa phương chưa có một mô hình du lịch nào phù hợp, chủ yếu là người dân làm du lịch tự phát. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng rất cần thiết dưới sự hỗ trợ của Sở VH-TT-DL cùng đơn vị hướng dẫn để định hình du lịch cộng đồng tại đây, phát triển giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi”.
Ông Phạm Tấn Thị (thôn Phú Quý, xã Bình Châu) cho biết: “Tiềm năng địa phương rất nhiều nhưng nguồn vốn thì không có, người dân muốn phát triển cũng rất khó, do vậy cần có định hướng phát triển rõ ràng, chẳng hạn như bước đầu khai thác phát triển du lịch cộng đồng từ các thành viên Chi hội Cổ vật xã Bình Châu, từ đó lan rộng sang cộng đồng dân cư”.
Ông Cao Thanh Thuận, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), cho biết, bước đầu, Sở VH-TT-DL phối hợp chính quyền địa phương xây dựng mô hình "Quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu”, người dân là chủ thể và trực tiếp tham gia mô hình, dần dần tiến tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, phát triển kinh tế từ du lịch.