Ông Nguyễn Văn Búp, trưởng thôn Lệ Thủy, sinh sống gần bờ biển mấy chục năm nay, cho biết, gần 10 năm trước bờ biển cách xa khu dân cư, mỗi lần ngư dân xuống thuyền đi biển phải kéo thúng đến gần vài chục phút. Bây giờ, bờ biển chỉ còn cách khu dân cư chưa tới 2m, người dân rất lo ngại.
“Những năm liên tiếp có bão lớn, sóng biển dâng cao đã khiến cho gần 1km đường bờ biển với 19 hộ dân sát dọc đường biển bị sạt lở, cuốn trôi nhà cửa, đất đai”, ông Búp nói.
Bà Nguyễn Thị Thân, thôn Lệ Thủy, cho biết: “Sạt lở đã kéo sập cả mảnh vườn trước nhà hơn 200m2 đổ xuống biển, nếu bão đến thì nước biển sẽ kéo sát vào sân phía trước nhà. Hiện giờ, cả 5 nhân khẩu sống trong diện tích 600m2, nhưng không biết sẽ bị cuốn sập lúc nào, mỗi lần bão đến thì cả nhà phải di tản xin đi trú tạm”.
Bà Nguyễn Thị Sang, thôn Lệ Thủy, cũng bị kéo sập cả phòng khách gần 60m2, cuốn nhà bếp gần 40m2, cả giếng nước cũng bị bồi lấp, không thể sử dụng.
Bà cho biết: “Cả nhà đều sống nhờ nghề biển, nên cả vợ chồng con cái đều trú ở ngoài này để phụ giúp kéo cá. Những khi biển động thì mới lên nhà phía khu dân cư cách xa bờ biển để ở. Nên người dân rất mong muốn được làm kè biển, giữ đất lại”.
Nhiều năm qua, địa phương xã Bình Trị cũng đã quy hoạch các khu tái định cư, tuy nhiên, trong 19 hộ chỉ mới di dời được 5 hộ. Cũng có hộ có đất tái định cư, nhưng khó khăn của người dân là hầu hết đều làm nghề biển, kéo cá nên lúc nào phải có người trực, phụ giúp gần bờ. Bà Sang nói: “Người dân gắn bó với biển, không có ruộng vườn, nên nhà ở khu tái định cư chỉ để trú bão chứ không ở nhiều”.
Các hộ dân không có đất, không di cư, vẫn phải hằng ngày chống chọi với nguy cơ sạt lở. Chị Tiêu Thị Tình, thôn Lệ Thủy, chia sẻ, những cơn bão lớn cuốn trôi cả nhà sát biển, chỉ còn lại mảnh tường vỡ. Nhưng vì không có điều kiện, gia đình quyết tâm đắp đất, dùng xi măng, đổ móng vững chắc, chống sạt lở. Chị nói: “Những lúc sóng lớn, biển động, nước biển dâng ngập cả sân trước nhà, lấn sâu 3m nước. Cả gia đình chỉ còn chút đất ven biển mở quán kinh doanh lấy kinh tế. Nếu di dời phải tìm địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán, kinh doanh và việc đánh bắt thủy sản”.
Trưởng thôn Lệ Thủy cho biết: “Nhiều ngôi nhà đã nứt hết, ngói vỡ ra sắp rơi xuống nhưng không có chỗ ở nên vẫn phải chống cự. Khó khăn nhất là nhu cầu nhà ở, sắp bão rồi, nhà lại yếu nên rất dễ sập. Hiện tại khá nhiều hộ có 2-3 thế hệ cùng sinh sống, nhiều hộ phải tách hộ nên người dân bị ảnh hưởng ngày càng nhiều”.
Ông Búp cho rằng, tái định cư cho dân trong vùng sạt lở biển chỉ là giải pháp tạm thời. Vào mùa mưa lũ hằng năm, bờ biển Lệ Thủy vẫn tiếp tục xâm thực, có nguy cơ đe dọa bộ phận dân cư phía trên khu vực 19 hộ dân dọc biển.
“Đặc điểm dân cư ven biển rất đông đúc và nhà gần nhau, nếu làm được bờ kè vừa giữ được đất, vừa thuận lợi cho việc đi lại đánh bắt, buôn bán hải sản, dịch vụ của người dân ven biển”, ông Búp nói.