Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức gồm các nghi lễ như lễ rước sắc, lễ mộc dục, lễ tế ngoại đàn, lễ tế chính điện, lễ dâng hương tưởng niệm tiền hiền và Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Tham gia lễ hội, ngoài người Kinh, Cor còn có người Hoa, H’re và các dân tộc khác ở Nam Bộ, Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là điều đặc biệt so với những lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Nghi lễ rước sắc về Điện Trường Bà. Ảnh: NHƯ Ý |
Chủ trì buổi lễ do ông Cả, ông thủ sắc trong làng và ông Chánh tổng người Cor ở Trà Bồng. Trong buổi tế lễ, sau khi khấn vái và rước sắc phong thì tổ chức hát bội và trò chơi dân gian. Trong lễ hội Điện Trường Bà, người Cor đem đến các lễ vật cúng chánh điện, sau đó họ chơi chiêng trống và múa cà-đáo, người Kinh tổ chức múa lân, hát bội.
Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na (thần Mẹ xứ sở) do người Chăm thuở còn tạm cư nơi đây để lại, sau đó trở thành một tín ngưỡng của các dân tộc. Người Hoa gọi bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu, sách cổ người Kinh gọi là Thái Dương Công Chúa, người Cor lại cho rằng bà là nữ thần Mo Hwýt.
Trang phục trong lễ hội Điện Trường Bà giao thoa nét văn hóa Kinh - Cor. Ảnh: NHƯ Ý |
Dù ở đâu, làm gì, trong ngày lễ hội, tất cả mọi người đến dự lễ đều hướng lòng thành kính, tri ân đến Thánh mẫu Thiên Y A Na và các vị thần khác đã có công trong việc khai phá vùng đất này.
Lễ hội thể hiện thông điệp đầu tiên là gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình mở mang bờ cõi. Gắn phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa dân gian mang đặc trưng của các dân tộc.
Lễ hội Điện Trường Bà cũng tổ chức nhiều hoạt động phần hội thể hiện văn hóa người Kinh. Ảnh: NHƯ Ý |
Đội múa lân tiến vào Điện Trường Bà. Ảnh: NHƯ Ý |
Năm 2014, Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017, Điện Trường Bà đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tại Điện Trường Bà còn có cây đa 300 tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam.