Anh Đinh Văn Trúc (37 tuổi, cán bộ văn phòng UBND xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) là người trực tiếp hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở 3 năm trước. Anh Trúc cho biết: “Tôi nhớ rất rõ vào ngày 27-10-2020, lãnh đạo Đảng ủy xã phân công tôi về phụ trách khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, khi nghe tin báo bão Molave. Thời tiết xấu dần, mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày, tôi thấy tình hình rất khẩn trương nên đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền người dân, đồng thời vận động thanh niên hỗ trợ toàn bộ 36 hộ, hơn 100 nhân khẩu di dời”.
Ngay trong chiều ngày 27-10-2020, theo chân anh Trúc, tất cả người dân khu dân cư Mang Rin sơ tán đến điểm trường mầm non Tu K Pan (thôn Mang He, xã Sơn Bua). “Trong làng có 4 người già đang đau ốm, không đi được, tôi cùng các thanh niên dùng võng khiêng từng cụ già đến điểm trường trú ẩn, lúc này đường đã sạt, nhão đất, may mắn các cụ đến an toàn”, anh Trúc nói.
Đến sáng ngày 28-10-2020, anh Trúc lần lượt kiểm tra lại số hộ dân, chắc chắn tất cả đều đến điểm trường mầm non Tu K Pan. Anh nói: “Tôi đã nghe tiếng động trên núi, tiếng đất đá sạt từng đợt nhỏ và đến 11 giờ trưa ngày 28-10-2020, tiếng nổ lớn trên núi, đất đá bắt đầu đổ ầm xuống cuồn cuộn như thác. Trong chốc lát, khu dân cư Mang Rin bị vùi lấp hoàn toàn”.
Để người dân vùng sạt lở có nơi ở mới sau khi làng bị vùi lấp, năm 2021, dự án khu tái định cư Mang Hin (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) được khởi động với tổng mức đầu tư khoảng 39 tỷ đồng, diện tích 5ha, xây dựng 53 lô đất ở, khoảng 400m2/lô, đầy đủ điện, đường, nước sinh hoạt cho người dân. Huyện Sơn Tây đã phê duyệt danh sách hộ dân sạt lở làng Mang Rin vào khu tái định cư Mang Hin và bố trí đất.
Sau hơn 1 năm xây dựng, người dân đã chuyển về khu tái định cư Mang Hin, những ngôi nhà sàn dựng lên, niềm vui an cư đến với người dân, bắt đầu cuộc sống mới. Anh Trúc cho biết: “Người dân rất vui mừng khi ở đất mới, mùa mưa lũ năm nay cũng an tâm hơn vì không còn lo sạt lở. Qua đợt di cư do sạt lở 3 năm trước, người dân ý thức bảo vệ an toàn tính mạng và thực hiện theo chỉ đạo của địa phương trong công tác di dời, sơ tán, cứu nạn cứu hộ, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Đến nơi ở mới, nhiều người dân đã bắt đầu canh tác, trồng hoa màu phát triển kinh tế. Anh Đinh Văn Quang (43 tuổi) cho biết, trên 3ha đất rẫy, anh trồng cây keo, cau, quế đến nay đã 4-5 năm, bình quân mỗi năm lãi ròng 20-30 triệu đồng/năm, anh còn trồng 5 sào mì, mỗi đợt thu hoạch 3 tấn.
Anh Quang chia sẻ: “Trận lũ cuốn sạch mọi tài sản của gia đình, giờ đến khu ở mới, bắt đầu cuộc sống mới, tôi cố gắng làm ăn để gia đình có cái ăn, cái mặc, trẻ con đến lớp học hành”. Anh Quang có 3 con gái, con gái lớn đã lập gia đình và 2 con nhỏ đang học lớp 10 và lớp 7.
Khu tái định cư Mang Hin có nhiều gia đình trẻ lập nghiệp, chị Đinh Thị Kim Thanh (29 tuổi) sở hữu 1ha diện tích cây keo đã trồng 3 năm, 2 sào cau, 4 sào lúa nước. Chị Thanh cho biết: “Giờ đây mọi người không còn lo cảnh sạt lở, sống tạm trong lều nữa vì đều đến khu tái định cư ổn định, bây giờ chỉ lo làm ăn thôi!...”
Ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, cho biết: “Trong 36 hộ thì hiện nay có 12 hộ đã làm nhà ở đảm bảo an toàn, còn 24 hộ nhà cửa chưa đảm bảo, nhưng trước mắt, cuộc sống của người dân đã có vị trí ở ổn định. Hiện nay việc xây dựng khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành về cơ sở hạ tầng, như đường xá chưa được bê tông hóa. Người dân mới vào khu tái định cư nên cuộc sống còn vất vả, nhà cửa còn lụp xụp, do vậy rất cần sự hỗ trợ các cấp ngành, nhà hảo tâm. Về phát triển kinh tế, địa phương tích cực hỗ trợ vật nuôi, cây giống, vận động tuyên truyền xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn dân để họ phấn đấu vươn lên”.