Quảng Ngãi chưa thoát nghèo

Quảng Ngãi khi chưa có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia, vẫn là một tỉnh nghèo, với nguồn thu ngân sách địa phương không vượt quá 1.000 tỷ đồng. Nhưng khi nhà máy đi vào hoạt động, Quảng Ngãi đã vụt lên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước về nguồn thu ngân sách. Sự có mặt của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cùng sự ra đời của nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã mang đến một sự đổi thay rất lớn cho vùng đất Quảng Ngãi. Từ mức thu nhập bình quân đầu người GDP 773 USD/người/năm, năm 2010, GDP ở đây đã vọt lên 1.228 USD/người và  đến năm 2012 đã lên 1.726 USD/người. Trong khi đó, GDP cả nước năm 2012 khoảng 1.540 USD/người.
Quảng Ngãi chưa thoát nghèo

Quảng Ngãi khi chưa có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia, vẫn là một tỉnh nghèo, với nguồn thu ngân sách địa phương không vượt quá 1.000 tỷ đồng. Nhưng khi nhà máy đi vào hoạt động, Quảng Ngãi đã vụt lên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước về nguồn thu ngân sách. Sự có mặt của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cùng sự ra đời của nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã mang đến một sự đổi thay rất lớn cho vùng đất Quảng Ngãi. Từ mức thu nhập bình quân đầu người GDP 773 USD/người/năm, năm 2010, GDP ở đây đã vọt lên 1.228 USD/người và  đến năm 2012 đã lên 1.726 USD/người. Trong khi đó, GDP cả nước năm 2012 khoảng 1.540 USD/người.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong 19.027 tỷ đồng tổng thu ngân sách của địa phương năm 2012, thì có đến hơn 14.000 tỷ đồng từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong 14.000 tỷ đồng này, phải nộp cho trung ương 85%, 15% để lại cho địa phương nhưng phải điều tiết lại lần 2 theo tỷ lệ 61%-39%. Quảng Ngãi có khoảng 3.300 doanh nghiệp (DN), nhưng DN vừa và nhỏ chỉ mới đóng góp ngân sách khoảng 160 tỷ đồng. Phần còn lại thuộc phần của top 10 DN lớn tại Quảng Ngãi. Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng thừa nhận rằng, vui mừng với những thành tựu đạt được nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trên vùng đất này.

Quảng Ngãi chưa thoát nghèo ảnh 1

Nhà máy Doosan tại Dung Quất sản xuất thiết bị khử mặn xuất sang Ả-rập Xê-út. Ảnh: Hà Minh

Quảng Ngãi đang phát triển tốt ở phía Đông nhưng phải làm an sinh xã hội tốt cho phía Tây. Địa phương đứng ở hàng đầu về nộp ngân sách nhưng lại có mức sống thấp nhất ở khu vực miền Trung, với thu nhập bình quân đầu người 906.000 đồng/người/tháng. Cả nước có 62 huyện nghèo, Quảng Ngãi có đến 6 huyện nghèo. Với hơn 1,22 triệu dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18%, hầu hết hộ nghèo đều tập trung ở 6 huyện miền núi của tỉnh. Dù quê hương đã đổi thay nhiều, nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư nhiều hơn tại Quảng Ngãi nhưng dòng người xuất cư khỏi Quảng Ngãi, đến những địa phương khác ở phía Nam làm ăn, kiếm sống khá cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ xuất cư ở Quảng Ngãi cao nhất trong các tỉnh miền Trung, trong đó tỷ lệ lao động chất lượng cao cũng khá nhiều. 85% dân số Quảng Ngãi sống ở nông thôn, trong khi đất xám (đất xấu, không phù hợp với cây nông nghiệp) chiếm đến 76% diện tích đất của tỉnh. Do vậy, kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 18%.

Hiện nay, sau nhiều năm phát triển, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã hình thành, người dân lao động bình thường có thể tìm thấy cơ hội sống tốt trên quê hương mình, nhưng dấu hiệu của sự trở về vẫn chưa thấy rõ! Chúng ta không đề cập đến cấp độ vĩ mô, chính sách trải thảm đỏ của địa phương để thu hút người tài, mà ở đây đang tồn tại một nghịch lý về mức sống. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải vì sao người dân Quảng Ngãi vẫn cảm thấy “khó sống” trên quê hương mình.

Là địa phương có mức sống, thu nhập bình quân vào hàng thấp của khu vực miền Trung, nhưng họ đang phải sống với chi phí sinh hoạt thuộc hàng cao của cả nước. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo đánh giá của du khách, người dân Quảng Ngãi sống xa quê trở về và ngay chính người dân đang sống tại địa phương thì mức sống, giá cả ăn uống, sinh hoạt phí ở nơi đây quá cao so với các tỉnh lân cận như Bình Định, Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng- trung tâm kinh tế của miền Trung nhưng bạn có thể ăn sáng với một tô bún giá 15.000 đồng, nhưng ở Quảng Ngãi, ở quán vỉa hè đã có giá 25.000 - 30.000 đồng. Thậm chí những người có thu nhập cao, sống ở TPHCM - đô thị có giá sinh hoạt vào loại cao nhất nước cũng bất ngờ, cho rằng giá hàng ăn uống ở đây còn cao hơn nhiều khu vực ở TPHCM. Có người cho rằng, họ đang phải “đu” theo mức sống, mức giá phục vụ cho các chuyên gia nước ngoài và một bộ phận CB-CNV có thu nhập khá cao làm việc ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Sự giàu có, mức sống cao ở đây chỉ là mới bề nổi, chưa thể mang lại niềm vui thật sự cho vùng đất này.

NGUYỄN HỮU

Tin cùng chuyên mục