Nguy hiểm là vậy nhưng người dân vẫn chưa thể di dời đến nơi ở mới mặc dù UBND xã Tịnh Long đã xin phần quỹ đất 39 lô còn dư ra từ khu tái định cư thi công tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh và được UBND tỉnh đồng ý, vị trí tại khu dân cư Đồng Bến Sứ, xã Tịnh Long.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, cho biết: “Theo phương án thực hiện di dời thì phần đất xóm Lân sẽ được thu hồi giao Nhà nước quản lý và không được đền bù như các dự án giải phóng mặt bằng nên dù có đất tái định cư, người dân vẫn không đồng ý với phương án này”.
Ông Tuấn lý giải, người dân xóm Lân đa số làm nông nghiệp, rau màu trên bãi bồi ven sông, do vậy, khi đi tái định cư mà không có đất sản xuất hoặc không được hỗ trợ bồi thường sẽ không đảm bảo sinh kế.
Bà Từ Thị Mẫn, người dân xóm Lân, cho biết: “Nhà tôi có hơn 1.100m2 đất nhà và vườn, bao đời tôi trồng rau, nuôi bò làm kế sinh nhai. Tôi có 3 người con trong đó 2 người đã có vợ, chồng và còn đứa con đang học phổ thông. Nếu như không còn đất để làm rau màu, chăn nuôi gia đình tôi sẽ không còn kinh tế, cả nhà nhiều thế hệ chỉ có 1 lô thì con cái về sau không biết thế nào?”.
Số lô đất tái định cư mới chỉ có 39 lô chia cho 39 hộ chính trong khi đó, số hộ mới của xóm Lân phát sinh thêm 21 hộ thuộc diện nhiều thế hệ, cũng có yêu cầu bố trí đất tái định cư để di dời.
Điều đáng nói là việc di dời tái định cư cho người dân xóm Lân đã bắt đầu từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết ổn thỏa cho người dân.
Năm 2003, khi tình trạng sạt lở có dấu hiệu ăn sâu vào nhà dân ven sông, UBND xã Tịnh Long kiến nghị huyện Sơn Tịnh (cũ) quy hoạch di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở vào khu tái định cư. Lúc này quỹ đất chỉ đủ bố trí 139 hộ được di dời vào nơi ở mới, phương án di dời 139 hộ là giao đất tái định cư tại nơi ở mới để người dân làm nhà tránh lũ và không thu hồi đất nhà cũ tại xóm Lân.
Tuy nhiên, một số hộ đã nhận đất tái định cư tại nơi ở mới không trực tiếp xây dựng nhà ở mà giao cho con xây dựng nhà ở, còn hộ chính vẫn còn nơi ở cũ và có trường hợp thì ngược lại hộ chính nhận đất tái định cư tại nơi ở mới còn nhà tại nơi ở cũ thì vẫn giữ nguyên cho con sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, cho biết: “Do không thu hồi đất tại xóm Lân nên các hộ dân đã có đất tái định cư vẫn quay về xóm Lân sử dụng vào mục đích ở, làm chuồng trại chăn nuôi, sản xuất. Dẫn đến khi tái định cư cho 39 hộ còn lại về sau gặp khó khăn vì người dân yêu cầu trước kia làm sao thì sau này cũng vậy hoặc phải bồi thường như giải phóng mặt bằng dự án”.
Ông Tuấn cho biết: “UBND xã có ý kiến đề xuất khi di dời dân thì có thể chuyển mục đích đất ở của các hộ xóm Lân sang đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích, giao lại cho người dân để họ sản xuất rau màu”.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết, thuận lợi trước mắt là xã Tịnh Long đã có sẵn đất bố trí tái định cư, tuy nhiên phương án di dời cho số 139 lô trước và 39 lô sau này không trùng nhau nên sự việc kéo dài.
Ông Lâm nói: “Dự án di dời tái định cư xóm Lân, xã Tịnh Long, trước đây do UBND huyện Sơn Tịnh (cũ) thực hiện, đến khi xã Tịnh Long sáp nhập vào địa phận TP Quảng Ngãi và báo cáo vụ việc cho thành phố. UBND TP sẽ tiến hành rà soát toàn bộ vụ việc để có phương án tính toán cụ thể, cần thiết báo cáo UBND tỉnh”.