Trữ lượng nước từ hồ chứa nước Hòa Hải xuống thấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Mặc dù chỉ mới đầu mùa nắng, nhưng hồ chứa nước Hòa Hải, phục vụ nước nông nghiệp và nước sinh hoạt xã Bình Hải và xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn) hiện đã xuống thấp, nước không tràn qua đập để chảy về phục vụ nông nghiệp. Trữ lượng nước thấp, ảnh hưởng cấp nước cho Nhà máy nước Bình Hải.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Hồ Hòa Hải có diện tích khoảng 1ha, được xây dựng từ những năm 1979, phục vụ tưới nông nghiệp cho cho xã Bình Hòa là khoảng 10-15ha, còn xã Bình Hải khoảng 25ha. Hiện giờ, lượng nước xuống thấp so với đập thoát nước, nếu không có mưa thì khoảng tháng 6 là hồ cạn”.
Theo ông Cầu, hồ Hòa Hải chủ yếu phục vụ tưới vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu thì đã cạn, trữ lượng nước còn lại phục vụ cho cấp nước cho Nhà máy nước Bình Hải, để đảm bảo nước sinh hoạt cho hộ dân xã Bình hải và Bình Hòa.
Trữ lượng nước còn lại của hồ chứa nước Hòa Hải chỉ phục vụ cho sinh hoạt nhân dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè-Thu năm 2023. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Hè-Thu năm 2023.
Hồ chứa nước Hòa Hải, phục vụ cho 2 xã Bình Hòa và Bình Hải (huyện Bình Sơn). Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở NN-PTNT thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra tình hình nguồn nước, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nước để đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và sản xuất vụ Hè-Thu năm 2023.
Trên cơ sở phương án phòng, chống hạn của các địa phương, đơn vị khẩn trương tổng hợp, xây dựng ban hành phương án chống hạn và xâm nhập mặn tổng thể cho vụ Hè-Thu năm 2023 trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 10-5.
Một số địa phương đã thu hoạch lúa vụ Đông-Xuân, các nơi không có nguồn nước, người dân bỏ đất hoặc trồng đậu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Các UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức thủy lợi cơ sở thường xuyên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sửa chữa cửa cống để tránh nước bị rò rỉ, thất thoát nước, đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao, khoan giếng để bơm nước phục vụ sinh hoạt và chống hạn cho cây trồng.
Áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như nhỏ giọt, phun mưa,…Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn cấp huyện để kịp thời đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất vụ Hè-Thu.
Trường hợp khi nguồn nước kênh chính Nam Thạch Nham hoặc kênh Liệt Sơn không đảm bảo đủ nước tưới thì chủ động điều tiết nước từ hồ chứa nước Núi Ngang vào hệ thống kênh chính Nam Sông Vệ, kênh Liệt Sơn đảm bảo nguồn nước tưới cho thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức.
Sở TN-MT, Sở Tài Chính, Sở Công thương, Đài Khí tượng Thủy văn, Công ty Điện lực Quảng Ngãi… và các sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị, xã hội phối hợp Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tỉnh Quảng Ngãi có 800 công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tổng năng lực tưới thiết kế của 800 công trình là 68.942,9ha; năng lực tưới thực tế là 48.964,7ha; đạt 70,63% so với năng lực thiết kế.
Trong tổng số 800 công trình có 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước. Hầu hết là các đập đất, kích thước mặt cắt ngang không đảm bảo do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập. Ngoài ra, các tràn xả, cống lấy nước, hệ thống kênh, đập dâng, trạm bơm…đều xây dựng đã lâu, xuống cấp, hư hỏng.
Đến nay, toàn tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 18 hồ chứa nước, còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.