Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Quảng Ngãi có chiến lược phát triển kinh tế với lợi thế có tổng diện tích tự nhiên 5.135 km2, chiều dài bờ biển 130km, có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam đi qua, nằm gần sân bay Chu Lai với cảng nước sâu Dung Quất... Tỉnh Quảng Ngãi mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm cơ hội để đầu tư vào tỉnh thông qua cơ hội đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư…
Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi có sự thay đổi lớn sau khi tỉnh thu hút đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 1990 và đi vào hoạt động năm 2009. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, thu ngân sách của Quảng Ngãi từ 2.800 tỷ đồng năm 2008, đến năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng. Bước ngoặt này, nhiều dự án, nhà đầu tư đã đến đất Quảng Ngãi, tạo nên sự đa dạng phong phú với gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất và hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi đã đón tiếp và làm việc với hơn 140 đoàn doanh nghiệp đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD, trong đó, có 31 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 18.000 lao động. Riêng tháng 6-2019, tỉnh đã tổ chức trao và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 349 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Ngãi đang tập trung rất nhiều “sếu đầu đàn lớn” như thép Hòa Phát, FLC, VSIP, Doosan... “Tôi nhận thấy Quảng Ngãi có rất nhiều tiềm năng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, điều tiết kinh tế… Quảng ngãi có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông - Tây, cùng khả năng liên kết các nước bạn Lào, Myanmar, Thái Lan” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Thủ tướng cũng nêu ra các thế mạnh mà tỉnh Quảng Ngãi cần khai thác như vốn cơ sở hạ tầng, trung tâm TP Quảng Ngãi nằm kề sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Dung Quất có thể xem cảng kết nối miền Trung và các khu công nghiệp lân cận, cảng nước sâu là trái tim của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có điều kiện tự nhiên như bờ biển, nhất là vùng phía Nam rất tiềm năng. Ngoài ra, Quảng Ngãi có nền văn hóa lâu đời như văn hóa Sa Huỳnh, truyền thống hiếu học. Đây là những thế mạnh mà Quảng Ngãi cần phát huy để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế của Quảng Ngãi như sắc thái công nghiệp vẫn chưa rõ ràng, nên đồng thời phát triển công nghiệp và du lịch vẫn còn nhiều lấn cấn, thu ngân sách cao nhưng nhiều rủi ro, phần lớn dựa vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi nên đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương cần năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhưng cần những nhà đầu tư có chất lượng. Chính phủ rất cần các nhà đầu tư dài hạn, hướng đến phát triển kinh tế. Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp cần thực hiện cam kết của mình mà không cần chờ đợi hội nghị xúc tiến đầu tư.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Thành phố Giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi (đường Trường Chinh, TP Quảng Ngãi).
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao mô hình học tập gắn liền với trải nghiệm, được thể hiện rõ nét tại thư viện thông minh e-library giúp học sinh và giáo viên truy cập nguồn học liệu mọi lúc, mọi nơi, robot NAO trợ giúp học sinh trong tương tác, giao tiếp, hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ…
Tối 2-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1-7-1989 trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Sau 30 năm, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là bứt phá phát triển công nghiệp. |