Tính từ giai đoạn 2011-2020 có 50 hộ xã Sơn Bua tham gia hiến đất với diện tích hiến 39.448m2, từ năm 2020-2023 có thêm 5 hộ tham gia hiến đất với diện tích hiến 11.864m2 để xây dựng các công trình làm đường, xây trường,… Phong trào tự nguyện hiến đất lan rộng toàn địa bàn xã Sơn Bua, trở thành địa phương đi đầu của huyện Sơn Tây khi có một xã miền núi mà người dân cả xã tham gia hiến đất.
Ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, cho biết: “Việc gì có lợi cho dân thì làm, người dân nhận thấy việc mở đường càng sớm thuận lợi cho vận chuyển nông sản, gỗ keo, cây cau nên người dân đồng tình hiến đất để Nhà nước làm đường nhanh chóng”.
Ông Chung tiên phong hiến đất 2 lần gồm hơn 1.093m2 và 650m2 làm đường xóm Ông Me đi khu dân cư Nước Toa (thôn Mang He, xã Sơn Bua). Ông cho biết: “Trước tiên cán bộ, đảng viên, già làng tiên phong hiến đất trước rồi đến người dân cùng tham gia”.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mang He. Ảnh: UBND xã Sơn Bua |
Ông Đinh Minh Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua cũng 2 lần hiến đất với diện tích 420m2 để làm nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mang He và hiến 715m2 đất làm đường giao thông nông thôn xóm Ông Me đi khu dân cư Nước Toa.
Đi đầu trong phong trào hiến đất, các cán bộ xã Sơn Bua cũng tuyên truyền, vận động và nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất. Ông Đinh Văn Nhân (thôn Nước Tang, xã Sơn Bua) hiến hơn 180m2 để làm sân bóng đá trong làng cho trẻ em chơi.
Ông Đinh Văn Nhân (thôn Nước Tang, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) tự nguyện hiến đất xây dựng công trình công cộng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Nhân cho biết: “Mảnh đất này trước kia tôi làm chuối, trồng cau đến trồng quế, mỗi mùa vụ cũng thu được 2 triệu, nhưng sau đó thấy trẻ em không có khu vui chơi nên tôi nhường đất để làm mặt bằng tạo một sân bóng nhỏ cho trẻ em. Tôi rất vui vì việc làm ý nghĩa của tôi mang đến niềm vui cho trẻ em và nhiều người dân trong làng”.
Công trình nhà bán trú, khu vui chơi thể thao của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua cũng được xây dựng nhờ người dân tự nguyện hiến đất. Trong đó, ông Đinh Văn Đôi hiến 189m2, ông Đinh Văn Thuộc hiến 646m2, ông Đinh Văn Que (cùng khu dân cư Nước Ma, thôn Mang He) hiến 196m2 đất để xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh.
Các diện tích hiến đất là đất trồng keo của người dân, ở các vùng miền núi, cây keo, cau là nguồn thu nhập kinh tế chính của người dân, tuy nhiên họ sẵn sàng hiến đất để giúp học sinh có nơi ăn, ở và học tập.
Công trình nhà bán trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua do người dân tự nguyện hiến đất. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Học sinh vui đùa trong khu bán trú của nhà trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Thầy Huỳnh Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua, cho biết: “Qua tuyên truyền của các cấp chính quyền, Đảng ủy, người dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm nhà bán trú cho học sinh. Nhà trường hiện có 7 phòng bán trú, trong đó dãy hiến đất thì có 1 bếp ăn và 4 phòng bán trú. Tổng số học sinh ở lại bán trú là hơn 170 em, nhà trường đang vận động thêm 40 em vào bán trú”.
Thầy Huỳnh Văn Thành cho biết: “Trước kia không có nhà bán trú thì các em phải ngủ trưa tại các lớp học để học tiếp vào đầu giờ chiều, đến tan học thì trở về nhà, nhiều em ở các thôn xa, cách trở, đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ, nguy hiểm an toàn tính mạng học sinh. Do vậy, có nhà bán trú vừa đảm bảo sỉ số học sinh đến trường, đến lớp, các em ăn uống, học tập và ở lại cho đến khi kết thúc học kỳ”.
Các em có nơi ăn, chốn ở thuận lợi khi đến trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Địa phương vận động ông Nguyễn Văn Nừng (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) có đất trồng cây keo ở xã Sơn Bua hiến đất để xây mới nghĩa trang nhân dân xã Sơn Bua và ông Nừng đã tự nguyện hiến 11.444m2 đất cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mai táng.
Nghĩa cử hiến đất để xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh của người dân xã Sơn Bua đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen cho các hộ dân liên tục các giai đoạn 2014, 2015, 2019.
Ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, cho biết: “Xã Sơn Bua hiện có tỷ lệ hộ nghèo đến 65,2% đứng thứ 2 của huyện Sơn Tây, tức là 455 hộ dân thì có 297 hộ nghèo, 52 hộ cận nghèo, trước kia tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn đến gần 70%, thế nhưng người dân địa phương đều đồng lòng hiến đất xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo”.