Trước đó, vào chiều 16-9, hai vợ chồng quê thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) ăn cá nóc. Khoảng 1 tiếng sau khi ăn, cả hai xuất hiện triệu chứng choáng, tê đầu lưỡi, tê toàn thân.
Ngay khi phát hiện, người thân đưa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Người chồng có triệu chứng nặng hơn, nhập viện trong tình trạng ngừng tim. Bệnh nhân được cấp cứu chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Chống độc trong tình trạng mê sâu, ngừng thở phải chỉ định thở máy. Người vợ triệu chứng nhẹ hơn và được chỉ định điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm. Đến ngày 17-9, sức khỏe hai vợ chồng dần ổn định.
Ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua.
Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân không nên sử dụng cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan và đã có nhiều trường hợp tử vong do ăn cá nóc.