Tỉnh Quảng Ngãi là thủ phủ mía đường, từ cây mía, người dân đã làm nên những sản phẩm về đường mía nổi tiếng trong và ngoài nước… Thế nhưng, nghề trồng mía ở Quảng Ngãi dần mai một, với mong muốn hồi sinh các sản phẩm từ cây mía, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy đã khôi phục phương thức sản xuất mật mía truyền thống kết hợp máy móc hiện đại, nâng cao giá trị cây mía.
Chị Thủy chia sẻ: “Mật mía, nghe cái tên thôi đã nhớ đến ngày xưa thời ông bà còn làm đường mía, mật mía thủ công rồi, nên tôi muốn giữ gìn trọn vẹn hương vị ngày xưa và đưa mật mía trở lại”.
Qua thời gian tìm hiểu về cách nấu mật mía từ lời kể của các cụ già và các hộ dân còn làm nghề đường tại Quảng Ngãi, chị Thủy đã khởi nghiệp mật mía.
Mật mía trải qua các công đoạn, phân loại mía, bóc vỏ mía, ép nước, lắng mật. Chị Thủy chia sẻ, trồng mía ở đây thường không có thuốc bảo vệ thực vật, đa phần người dân chỉ bón phân làm đất giai đoạn đầu, sau đó xuống giống và chờ đến thu hoạch, nên mía Quảng Ngãi rất chất lượng.
Mật mía là một loại mật được cô đặc trực tiếp từ nước mía trong chảo lớn qua quá trình nấu kéo dài từ 10-12 tiếng sau khi trải qua các công đoạn, bước cuối cùng là lắng mật nhằm loại bỏ cặn bã còn sót lại sau khi nấu. Sau khi lắng mật thì để mật mía nguội rồi đậy nắp thùng lại để bảo quản, mật mía có thể giữ được 1-2 năm. Mỗi ngày, gia đình chị Thủy tiêu thụ 1,5 - 2 tấn mía, sản xuất từ 150 - 200 lít mật mía.
Với sản lượng tiêu thụ năm 2023 ước đạt khoảng 150 tấn mía, nhiều nông dân tại xã Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) và xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành) trồng mía tham gia liên kết sản xuất cũng có nguồn thu nhập đáng kể.
Chị Phạm Thị Liên (thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) cho biết: “Tôi có khoảng 2ha nhưng đang trồng khoảng 1,5ha cung cấp nguồn mía cho gia đình chị Thủy để sản xuất mật mía. Từ bán mía, mỗi năm thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng, quan trọng là nguồn đầu ra cây mía ổn định hơn”.
Chị Thủy cho biết: “Trước kia việc trồng mía cho thu nhập gấp đôi so với trồng lúa, thế nhưng, khi đầu ra cho cây mía không còn đảm bảo, nông dân giảm dần diện tích, cây mía ít dần. Hiện nay, sản lượng mía cung cấp cho chúng tôi vẫn còn thấp, do vậy, các hộ tham gia liên kết cần mở rộng diện tích trồng mía, mở rộng các hộ trên địa bàn xã để phát triển vùng nguyên liệu. Phát triển nghề làm mật mía, tăng sản lượng mật mía sẽ giúp nông dân có thu nhập tốt hơn và tạo việc làm cho lao động nông thôn”.